Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất kể từ năm 2018, do lo ngại lạm phát tăng cao kỷ lục. Giới phân tích nhận định, dù sự kiện này có thể khiến dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi, nhưng mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam là không lớn, ít tác động đến xu hướng lãi suất trong năm nay.
Trong báo cáo dành cho nhà đầu tư mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, tiếp tục giữ quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 để không bị nhiều tác động lớn đối với việc FED tăng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ xu hướng tiếp tục mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là FED sẽ chỉ tăng lãi suất với tổng mức tăng cao nhất là 2% và FED chưa bắt đầu chương trình Thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening - tức là rút tiền ra khỏi hệ thống). Đồng thời, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế chính của đất nước.
Theo các chuyên gia của ABCS, tác động lớn chính của việc FED tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của FED, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
"Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và lạm phát được duy trì ở mức dưới 4% sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất", báo cáo của ACBS nhận định.
Ảnh minh họa.
Về phía các ngân hàng thương mại, tại đại hội cổ đông mới đây, trả lời câu hỏi của cổ đông khi đánh giá tác động của việc FED tăng lãi suất đến lợi nhuận ngân hàng, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho rằng, về cơ bản điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn trên thị trường quốc tế. Hiện VIB là một trong số các ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn quốc tế, với mức lãi suất được cho là hấp dẫn hơn và ổn định hơn so với thị trường tiền gửi dân cư trong nước.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực về chi phí vốn cũng đang đè lên một số ngân hàng khi lãi suất huy động trên thị trường đang có dấu hiệu tăng.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, SSI cho rằng mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.
Dưới góc độ của chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất huy động nhích lên không phải là xu hướng mà tùy thuộc vào mức độ thanh khoản từng ngân hàng thương mại, cộng thêm yếu tố lạm phát, tâm lý.
Tuy nhiên, với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định của Ngân hàng Nhà nước và chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp thì nếu lãi suất cho vay tăng, việc hỗ trợ sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
"Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên điều hành lãi suất ổn định, không để các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất cho vay, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn. Đồng thời, sớm triển khai cụ thể hóa hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp tiếp cận với gói tài khóa hỗ trợ 2% lãi suất, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức và giữ nguyên mặt bằng giá bán", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Vẫn biết trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng do chi phí đầu vào tăng, đang gây nhiều áp lực đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Cộng thêm ảnh hưởng dây chuyền từ giá xăng dầu tăng, kéo theo hầu hết chi phí nguyên liệu sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng cao đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, bất kể ảnh hưởng dây chuyền của việc FED tăng lãi suất thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay vẫn thực hiện theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi. Họ có thể sẽ sử dụng các công cụ thông qua thị trường mở, như mua ngoại hối và bơm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ trợ thanh khoản hoặc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
ACBS ước tính lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2022 và tối đa là 0,5 điểm %. Đây cũng là mức tăng lãi suất tối đa trong năm nay được nhiều nhóm phân tích nhận định. Giới phân tích cho rằng, bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ (nếu có) sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là từ quý 3/2022 và mức độ tăng lãi suất khi đó sẽ rất hạn chế, ở mức từ 0,25 - 0,5 điểm %.
Thực tế, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông điệp về việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nược hiện đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 – 1 điểm % trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!