Trẻ mắc COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - Ảnh: THU HIẾN
Số ca nghi nhiễm tăng đều ở các khối, trong đó tỉ lệ ca nghi nhiễm ở khối THPT là 8,90%, khối THCS là 7,47%, khối tiểu học là 6,64% và mầm non là 1,59%/tổng mắc chung.
Tính đến ngày 17-3, số trẻ cần hỗ trợ hô hấp (bệnh chuyển nặng) là 27 ca, trong đó có 19 ca ở các tỉnh thành chuyển đến, 8 ca ở TP.HCM.
Số trẻ thở máy xâm lấn là 5 ca (1 ca ở tỉnh khác, 4 ca ở TP.HCM). Bốn trẻ mắc COVID-19 có bệnh lý nền/bệnh lý cấp tính nặng cũng đang được điều trị. May mắn là từ 21-2 đến nay chưa ghi nhận trẻ mắc COVID-19 tử vong.
Trước đó, vào ngày 22-2, Sở Y tế cho hay, nếu mỗi ngày hơn 100 trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nặng, cần phải can thiệp hô hấp thì sở sẽ tham mưu UBND TP xem xét dừng việc dạy học trực tiếp.
Để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhi mắc COVID-19, Sở Y tế TP yêu cầu các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP tăng 300 giường điều trị COVID-19 (trong đó 50 giường hồi sức) và tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, chỉ đạo tuyến.
Đối với bệnh viện quận, huyện, đa khoa có chuyên khoa nhi phải có 30 - 50% giường điều trị COVID-19 dành cho bệnh nhi mắc COVID-19 mức độ trung bình hoặc nhẹ nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chỉ chuyển viện khi người bệnh diễn tiến nặng.
Bên cạnh đó cần tăng cường hội chẩn từ xa, cử nhân viên y tế tham gia đào tạo, tập huấn.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tỉ lệ xã phường 'vùng xanh' trên cả nước giảm
Bộ Y tế cho biết hiện toàn bộ 63 tỉnh, thành đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, do số ca bệnh tăng nhanh nên cấp độ dịch trên quy mô xã, phường tại nhiều địa phương đã có sự thay đổi.
Cụ thể, đến ngày 18-3 cả nước có có 4.337 xã, phường thuộc vùng xanh, chiếm 40,9% trong tổng số xã, phường đánh giá. 2.711 xã, phường thuộc vùng vàng, chiếm 25,6%; số xã, phường thuộc vùng cam là 3.134 chiếm 29,6%. Số xã, phường thuộc vùng đỏ là 403 chiếm khoảng 3,8%.
Qua thống kê trên cho thấy số xã, phường thuộc cấp độ dịch 1 - vùng xanh - vẫn chiếm nhiều nhất, tuy nhiên so với khoảng 10 ngày trước thì tỉ lệ xã, phường thuộc vùng xanh trên cả nước đã giảm (đánh giá ngày 9-3 là 44,4%).
Số xã, phường thuộc cấp độ dịch 2, 3 và 4 có tỉ lệ gia tăng. Tổng cộng 3 vùng này chiếm khoảng 59,1% tổng số xã, phường đánh giá (9 ngày trước tỉ lệ này là khoảng 55,6%).
Tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh Thanh Hoá - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Chính phủ tiếp tục yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra giá thuốc, vật tư y tế phòng chống dịch
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) - vừa có văn bản yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh kiểm tra không để lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá bất hợp lý đối với thuốc, vật tư y tế, test xét nghiệm COVID-19.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ động theo dõi, giám sát biến động giá các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 để có biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định.
Ban Chỉ đạo 389 các Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Bảo đảm thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng, ổn định giá và nguồn cung đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế (trong đó có test xét nghiệm COVID-19, máy đo SpO2) và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong điều kiện thích ứng với tình hình mới.
Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác nắm tình hình trên tất cả các tuyến, địa bàn, làm tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế và các loại thuốc phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Test nhanh COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Vẫn đang xem xét cấp phép lưu hành vắc xin Nanocovax
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 1685/VPCP-KGVX ngày 18-3-2022 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax.
Theo báo cáo của Bộ Y tế về kết quả xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax phòng COVID-19 do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đăng ký và sản xuất, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo văn bản số 1027/VPCP-KGVX ngày 17-2-2022 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định của pháp luật.
Vaccine COVID-19 Nanocovax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5-2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vắc xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18-12-2020, giai đoạn 2 từ ngày 26-2-2021 và giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11-6-2021.
Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vắc xin đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng.
Cán bộ y tế hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà - ẢNH: HÀ QUÂN
Tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 18-3 thông báo TP ghi nhận thêm 23.578 ca COVID-19, trong đó có 7.616 ca cộng đồng. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca COVID-19 trong ngày ở Thủ đô giảm. So với mốc 32.650 ca kỷ lục hôm 8-3, số ca COVID-19 ở Hà Nội giảm hơn 9.000 ca. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.471), Hoàng Mai (1.356), Nam Từ Liêm (1.259), Mê Linh (1.227), Sóc Sơn (1.218)…
Cập nhật đến 17-3, Hà Nội có 312 ca COVID-19 điều trị tại khu cách ly; hơn 3.500 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,79% tổng số ca đang điều trị, theo dõi). Ngày 18-3 ghi nhận 5 ca tử vong, nâng tổng số tử vong từ 27-4-2021 đến nay lên 1.288 ca.
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
- Sơn La ghi nhận thêm 4.198 ca COVID-19 ngày 18-3. Ngày 17-3 là 3.699 F0 - giảm nhiều so với những ngày trước đó từ 4.500 ca đến 5.000 ca/ngày. Từ ngày 1-1-2022 đến nay, Sơn La có 101.273 ca COVID-19; trong đó có 57.445 ca khỏi bệnh, 8 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh có 42.908 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà .Hiện nay, trên 97% người trên 18 tuổi đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19.
- Mặc dù số người mắc COVID-19 tại tỉnh Lào Cai trong những ngày qua tăng cao, nhưng tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong rất thấp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận trung bình 1.182 ca bệnh/ngày, trong đó có 31 ca tử vong.
- Đến ngày 18-3, hơn 2,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên ở Thanh Hoá đã tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19, đạt 99,95%; có 281.516 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt 98,6%. Tuy nhiên, số người được tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp (đạt 58,4%).
- Bắc Ninh vừa ra văn bản quy định tạm thời việc phân tuyến khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận, điều trị người mắc COVID-19 mức độ nặng trở lên. Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tiếp nhận và điều trị người mắc COVID-19 là đối tượng sản, phụ khoa và nhi khoa; Bệnh viện Phổi Bắc Ninh tiếp nhận, điều trị người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Bắc Ninh...
Ngoài ra, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận, điều trị, cách ly các trường hợp người mắc COVID-19 (không triệu chứng, thể nhẹ và vừa) có liên quan đến bệnh lý tâm thần; sử dụng, theo dõi sử dụng chất gây nghiện trên địa bàn tỉnh. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh và các Trung tâm y tế huyện, thành phố chuyển bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc tuyến trên các trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện.
TTO - Dù tỉ lệ phủ vắc xin tại Việt Nam rất cao, nhóm trên 18 tuổi dự kiến phủ mũi 3 trong tháng 3, nhóm 12-17 tuổi tỉ lệ tiêm mũi 2 trên 93%, nhưng trung bình tuần qua là trên 171.000 ca COVID-19/ngày. Vậy hiệu quả ngừa Omicron của vắc xin ra sao?