Mới đây, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, MCK: VNM) đã công bố báo cáo thường niên năm 2021 nhằm báo cáo tình hình hoạt động công ty năm cũ và đưa ra định hướng phát triển cho doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới.
Kế hoạch cho giai đoạn 2022-2026, Vinamilk dự định sẽ đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, phát triển chiến lược tiếp cận và phân phối đa kênh.
Công ty sẽ chú trọng ứng dụng công nghệ Internet vạn vật, dữ liệu lớn, tự động hóa và robotics, từ đó nâng cao tính minh bạch, hiệu quả khai thác, và đa dạng sinh học của các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, và khai thác. Cùng với đó, phát triển hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam.
"Gã khổng lồ" ngành sữa dự kiến khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động M&A, JV, hoặc đầu tư mạo hiểm. Cùng với đó hỗ trợ và đầu tư các dự án start-up khởi nghiệp phù hợp với chiến lược tăng trưởng của Công ty. Đồng thời, tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm cơ hội chuyển dịch đầu tư sản xuất tại chỗ.
Theo thông tin được ghi nhận trong Báo cáo thường niên 2021, Vinamilk đặt mục tiêu trong năm 2022 nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56% trong năm 2022 và tổng doanh thu cũng tăng nhẹ gần 5% lên 64.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp dự kiến chỉ ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm 2021. Nếu không thể thực hiện vượt kế hoạch, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp đầu ngành sữa tăng trưởng lợi nhuận âm.
Mục tiêu đến năm 2026, Vinamilk đặt kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021 - 2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.
Trên thực tế, LNTT của Vinamilk đều ghi nhận chững lại ở mức 12.000 - 13.000 tỷ đồng trong khoảng 5 năm trở lại đây mặc dù doanh thu vẫn ghi nhận tăng trưởng dù tốc độ không cao.
Cả năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng, đạt 61.012 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 98,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 10.633 tỷ đồng, giảm hơn 5,3% so với năm 2020 và đạt 94,6% mục tiêu năm. EPS năm đạt 4.517 đồng.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu thuần nội địa đạt 51.202 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ, xuất khẩu trực tiếp đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ và doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Năm 2021, biên lợi nhuận gộp hợp nhất của Vinamilk đạt 43,1% và biên lợi nhuận sau thuế là 17,4%.
Cổ phiếu VNM năm vừa qua đã không thu hút được dòng tiền mới trong khi những dòng tiền cũ liên tục muốn thoát ra khiến cho cổ phiếu lao dốc dài hạn. Điều này đã khiến Vinamilk từ vị thế từng là doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán nay đã bị rơi ra ngoài top 10 doanh nghiệp dẫn đầu về vốn hóa.
Đặc biệt, động lực tăng trưởng là vấn đề lớn với doanh nghiệp khi đà tăng trưởng của doanh nghiệp gần như đã chững lại thiếu tính đột phá và giữ mức lợi nhuận ổn định trên 10.000 tỷ đồng trong nhiều năm. Cổ phiếu VNM trên thị trường đã giảm 30% từ mức đỉnh trong vòng 1 năm qua xuống còn 76.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 18/3).