Theo The Guardian, vào ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về gói viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD cho Ukraine.
Ban đầu, Phương Tây khá thận trọng khi chỉ gửi mũ và áo chống đạn. Hiện tại, những món viện trợ mà Ukraine nhận được bao gồm cả máy bay không người lái (UAV) với khả năng tiêu diệt xe tăng và pháo từ khoảng cách 50 km.
Danh sách dài những nước đang viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga
01/03/2022 08:21
Tuy luôn từ chối thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine, Phương Tây đã và đang ủng hộ bằng việc chuyển giao nhiều loại vũ khí hiện đại có khả năng gây ra mối đe dọa đáng kể tới quân đội Nga.
Máy bay “thần phong”
Tổng thống Biden thông báo trong gói viện trợ “chưa từng có tiền lệ” bao gồm 100 máy bay không người lái (UAV) cảm tử. Những máy bay này sau khi được phóng đi sẽ sử dụng GPS và camera để định vị và sau đó bay thẳng đến mục tiêu và kích nổ.
Ngoài ra, những UAV này còn có thể được sử dụng cho mục đích trinh sát chiến trường.
Được công ty Mỹ AeroVironment sản xuất, Switchblade là loại máy bay không người lái hạng nhẹ, kích thước rất nhỏ, sử dụng một lần. Biệt danh của chiếc máy bay là “thần phong”, lấy cảm hứng từ chiến thuật cảm tử của các phi công cảm tử Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.
Mỗi máy bay không người lái được gấp lại thành một bệ phóng súng cối hạng nhẹ. Phiên bản mạnh nhất di chuyển với tốc độ 115 km/h và có phạm vi hoạt động 80 km. Phiên bản nhẹ hơn có phạm vi 10 km.
Tên lửa đối không nhanh nhất thế giới
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace đã hứa sẽ viện trợ một số lượng không xác định các vũ khí phòng không tốc độ cao có tên Starstreak cho Ukraine.
Starstreak là hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp có tốc độ nhanh nhất thế giới. Sau khi phóng, tên lửa đạt tốc độ gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh và tách thành 3 đầu đạn nhỏ hơn được dẫn đường bằng laze để tăng khả năng trúng mục tiêu.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2
Những chiếc máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất nổi bật trong những video ghi lại cảnh chiến trường. Những UAV này đã thể hiện tốt trong việc chống lại xe tăng và xe bọc thép của Nga.
Tuy nhiên, chúng trở nên kém hiệu quả hơn sau khi Nga thiết lập mạng lưới phòng không. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bán máy bay Bayraktar TB2 cho Ukraine vào năm 2019. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tiết lộ số lượng, nhưng các ước tính độc lập cho biết Ukraine có tới 50 chiếc TB2.
Ông Aaron Stein, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, đã mô tả TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ như những chiếc “Toyota Corolla của máy bay không người lái”, tức là giá cả hợp lý mà hiệu quả tương đối cao.
Trong cuộc giao tranh biên giới năm 2021, những chiếc Bayraktar của Azerbaijan đã phá hủy rất nhiều thiết giáp của quân đội Armenia.
Tên lửa chống tăng Javelin
FGM-148 Javelin là hệ thống tên lửa chống tăng sử dụng ảnh nhiệt để tìm mục tiêu. Tên lửa này bay lên độ cao tối đa 150 mét rồi lao xuống tấn công vào nóc - phần bọc giáp mỏng nhất của xe tăng.
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ bao gồm 2.000 tên lửa loại này. Chúng có thể được bắn từ bệ phóng vác vai hoặc từ mặt đất và có thể tự dẫn đường tới mục tiêu, đảm bảo an toàn cho kíp vận hành.
Vũ khí chống tăng AT4
Nhà Trắng cho biết họ cũng sẽ gửi 6.000 vũ khí chống tăng AT4 trong gói viện trợ của Tổng thống Joe Biden. AT4 sử dụng cỡ nòng 84 mm do Thụy Điển sản xuất và có tầm bắn 500 mét.
Cả AT4 và Javelin đều có thể được bắn từ trong phòng kín mà không gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Tên lửa vác vai đất đối không Stinger
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cũng bao gồm 800 hệ thống phòng không Stinger thêm vào 600 hệ thống đã được hứa hẹn. FIM-92 Stinger là một "hệ thống phòng không di động" hay Manpads, thường được sử dụng bởi bộ binh nhưng cũng có thể gắn trên máy bay trực thăng.
Trong cuộc chiến tranh Afghanistan, lực lượng Mujahideen với tên lửa Stinger được viện trợ bởi Mỹ đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho quân đội Liên Xô. Đức cũng đã cam kết gửi 500 tên lửa Stinger.
Tên lửa chống tăng thế hệ mới
Anh đã gửi 3.615 vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới có tên NLAW do liên doanh Anh-Thụy Điển sản xuất. Hàng trăm chiếc khác cũng dự kiến sẽ được gửi với chi phí 120 triệu bảng Anh.
Tên lửa chỉ nặng 12,5kg và dài hơn 1 mét, giúp bộ binh dễ dàng sử dụng. Chúng có tầm bắn tối đa 800 mét. Mỹ cũng đã cam kết sẽ viện trợ 1.000 tên lửa NLAW.
Trực thăng Mi-17
Ba Lan ban đầu đề xuất chuyển giao máy bay MiG-29, loại máy bay quen thuộc với các phi công Ukraine, cho phía Kiev thông qua căn cứ không quân của Mỹ tại Đức. Kế hoạch trên đã bị Washington bác bỏ. Tuy nhiên, Mỹ đã điều 5 trực thăng Mi-17 từ thời Liên Xô để thay thế.
Tuy không hiện đại như các loại trực thăng Ka-52 hoặc Mi-28 của Nga, Mi-17 khi được trang bị vũ khí cũng sẽ trở thành mối nguy hiểm cho thiết giáp.
Hệ thống phòng không S-300
Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad'cho biết hôm 17/3 rằng Slovakia có thể chuẩn bị gửi tên lửa đất đối không tầm xa tới Ukraine "ngay lập tức". Điều kiện kèm theo là các đồng minh Phương Tây cung cấp cho Slovakia một "sự thay thế thích hợp" để tránh tạo ra lỗ hổng an ninh.
Nói cách khác, Slovakia sẽ gửi vũ khí cho Ukraine nếu Phương Tây gửi vũ khí thay thế tới Slovakia.
Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad'cho biết: "Hệ thống phòng không chiến lược duy nhất mà chúng tôi có ở Slovakia là S-300". Đây là hệ thống tên lửa do Liên xô và Nga sản xuất, tầm bắn tối đa 400 km.