Ốc đảo thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nằm lọt thỏm giữa dòng Trường Giang. Từ cảng cá An Hoà (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) đến ốc đảo Long Thạnh Tây chỉ cách một chuyến đò ngang. Thế nhưng, cuộc sống của người dân ốc đảo khác bờ bên này sông một trời một vực.
Toàn người già và trẻ em
Ốc đảo Long Thạnh Tây rộng khoảng 100 ha, vây quanh bởi sông nước. Diện tích nhỏ, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, người dân không thể khoan giếng phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Nhà nước từng quan tâm, đầu tư đường ống vượt sông, đưa nước ngọt từ xã Tam Giang, giúp người dân cải thiện đời sống. Nhưng do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đường ống bị hư hỏng, không còn sử dụng được.
Người dân trên chiếc thuyền chuẩn bị vào đất liền. Ảnh: THANH NHẬT
Bà Huỳnh Thị Thuận (ngụ thôn Long Thạnh Tây) cho biết do cô lập với đất liền, nhiều thứ tưởng chừng đơn giản nhưng thật khó đối với người dân ốc đảo. Mùa nắng khô hạn, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Còn mùa mưa, đò ngang đi lại trắc trở, đường đi học của trẻ nhỏ vì thế tiềm ẩn hiểm nguy. Chưa kể, cả làng phải di dời vào đất liền trước mỗi lần bão “ghé ngang”, không may trong thôn có ai chuyển bệnh, người nhà lo sốt vó...
“Ở đây không có phà (đò), người dân qua lại bằng phương tiện tự túc của từng nhà, còn ai không có thì đi nhờ. Mùa nắng còn dễ, chứ mùa mưa, trời có gió mạnh dễ gì qua sông được! 12 năm trước, cha tôi ngã bệnh, gia đình thuê chiếc ghe nhỏ chạy đường sông đến bệnh viện ở thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành). Đến nơi, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng mà không biết ông mất vì bệnh gì”, bà Thuận kể chuyện buồn của gia đình.
Ông Phạm Minh Quang, trưởng thôn Long Thạnh Tây, cho biết có khoảng 100 hộ dân sống trên ốc đảo, nhân khẩu chừng vài trăm người nhưng có đến 60-70% là người già và trẻ em. Hầu hết người đến tuổi lao động đều vào đất liền sinh sống, làm việc, ít ai nối gót cha ông gắn bó với nghề sông nước truyền thống.
Cụ Trần Ngọc Chân nói mong muốn của người dân ốc đảo Long Thạnh Tây. Ảnh: THANH NHẬT
“Cuộc sống khó khăn trăm bề, từ công ăn việc làm, nước sinh hoạt, giao thông đi lại trắc trở… người trẻ họ chọn rời khỏi mảnh đất gắn bó để vào đất liền mưu sinh. Còn những người lớn tuổi ở lại trên đảo, phần đông họ cũng mong muốn được di dời vào đất liền, tuy nhiên họ trông chờ mức đền bù thoả đáng, kế sinh nhai bền vững từ để ổn định cuộc sống nơi ở mới”, ông Quang nói.
Cần thiết phải di dời dân khỏi ốc đảo
Với người già, có những cụ đã gắn bó với ốc đảo gần hết đời người, họ quen với cảnh quê yên bình. Chuyện rời khỏi ốc đảo vào một ngày trong tương lai luôn là lựa chọn khó. Tuy nhiên, vì sự phát triển của ốc đảo, của quê hương Quảng Nam, họ sẵn sàng chấp thuận.
Cụ Trần Ngọc Chân (80 tuổi, ngụ thôn Long Thạnh Tây) cho biết, truyền thống ở ốc đảo từng có hai, ba đời chống giặc ngoại xâm. Nghe chuyện di dời, dù trong lòng không muốn nhưng ông có niềm tin, rời đi để quê hương phát triển. Ông tin rằng cũng như cá nhân ông, nhiều người sẵn sàng chấp thuận chủ trương.
Bà Thuận vừa giặt đồ, kể về chuyện buồn của gia đình. Ảnh: THANH NHẬT
“Nhà nước có chủ trương di dời thì dù không ưng ý lắm chúng tôi cũng sẵn sàng, hi sinh chút mong muốn bé nhỏ để quê hương phát triển. Tôi nghe Bí thư Huyện uỷ có tính toán thành lập một ngôi làng, tái định cư cho tất cả mọi người trong thôn ở đó. Tôi mong là vậy, bởi chúng tôi gắn bó với nhau quá lâu, quen rồi!”, cụ Chân bày tỏ.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết tỉnh Quảng Nam đang quy hoạch luồng cảng đón tàu với quy mô 50.000 tấn tại khu vực này. Luồng cảng sẽ ảnh hưởng trực tiếp khoảng 60-70% diện tích đất của người dân thôn Long Thạnh Tây, diện tích còn lại nhiều khả năng chịu ảnh hưởng gián tiếp.
“Nếu luồng cảng triển khai, tàu chạy ra vào sẽ tác động rất lớn lên thôn Long Thạnh Tây, người dân rất khó ổn định sinh kế, hành nghề sông nước. Đồng thời, luồng cảng nạo vét sâu cũng dẫn đến nguy cơ sạt lở. Các lý do như vậy đòi hỏi phải tính toán đến phương án nghiên cứu ổn định đời sống cho người dân”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, tỉnh Quảng Nam từng giao huyện Núi Thành nghiên cứu di dời người dân Long Thạnh Tây theo diện phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, người dân không đủ điều kiện kinh tế khi đến nơi ở mới.
“Mình thực hiện theo phương án bồi thường do ảnh hưởng bởi dự án. Cụ thể ở đây là nạo vét luồng cảng và kêu gọi nhà đầu tư vào làm dự án, khi đó sẽ có kinh phí bồi thường. Như vậy, việc di dời vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa đảm bảo điều kiện cho người dân”, ông Sinh thông tin.
Người dân tự chủ động phương tiện đi lại từ đảo vào đất liền và ngược lại. ẢNh: THANH NHẬT
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định, trước hết có thể thấy cần thiết phải di dời bà con ở ốc đảo vào đất liền để sinh sống an toàn, đi lại thuận lợi, có điều kiện làm việc, học hành, chữa bệnh, tiếp cận được các tiện ích xã hội cơ bản....không thể kéo dài cuộc sống như vậy mãi.
“Đây vừa là nguyện vọng của bà con, vừa là trăn trở của các cấp chính quyền nhiều năm qua. Đến nay, khi hạ tầng các khu tái định cư đã được xây dựng cơ bản, các dự án đầu tư được khẩn trương triển khai, trong đó có dự án cảng cá Tam Quang giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2, dự án di dời xây mới chợ Tam Quang…có khả năng giải quyết việc làm cho người lớn tuổi nên di dời họ đi lúc này là phù hợp”, ông Thanh nói.
“Theo qui hoạch, luồng mới từ Cửa Lở (xã Tam Hải) vào Tam Hiệp cho tàu trong tải lớn 50.000 tấn có đi qua một phần thôn Long Thạnh Tây nên việc di dời càng trở nên cần thiết hơn. Quỹ đất còn lại của thôn sẽ làm du lịch - dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển và sẽ xem xét lựa chọn nhà đầu tư sau". Ông LÊ TRÍ THANH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. |