Ông Nguyễn Văn Tòng biết đến mô hình nuôi chồn hương thông qua báo đài từ năm 2015. Qua tìm hiểu, ông thấy mô hình này dễ thực hiện nên đã quyết định thử sức. Ông Tòng lên huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu mua 2 con chồn cái và 1 con chồn đực với giá 21 triệu đồng về nuôi thử nghiệm.
Ban đầu do chưa am hiểu kỹ thuật nên chồn phát triển rất chậm. Trong thời gian ông kiên trì tìm hiểu kỹ thuật nuôi để đạt hiệu quả tốt hơn thì 1 con chồn cái đã chết. Sau 2 năm lão nông mới làm chủ hoàn toàn kỹ thuật. Từ 1 cặp chồn còn lại ông nhanh chóng nhân rộng.
Khoảng 3 năm qua, đàn chồn của gia đình luôn duy trì ở mức trên dưới 30 con, với 10 con sinh sản. Bán chồn giống chính là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Văn Tòng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tòng có thu nhập cao nhờ nuôi chồn hương.
"Chồn hường rất ít bệnh, chủ yếu là mình theo dõi phân của nó. Nhà tôi nuôi bán liên tục, nó đẻ không đồng loạt nên tháng nào cũng có bán. Tôi bán chồn đực 3 triệu, còn chồn cái 4 triệu đồng/con. Nói chung là rất hút hàng, không lúc nào đủ cung cấp. Bây giờ tôi có 3 đàn mà người ta dặn trước hết rồi", ông Tòng chia sẻ.
Mỗi năm, một con chồn hương giống sinh sản ít nhất 2 lần, mỗi lần 3 – 5 con. Kinh tế gia đình ông Tòng ngày càng được khấm khá nhờ nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi chồn. Theo ông Tòng, khi đã hiểu kỹ thuật thì việc nuôi chồn hương rất dễ.
Mỗi chuồng chỉ nên nuôi 1 con để chúng có không gian vận động. Phải dọn vệ sinh hàng ngày, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, tránh ẩm thấp. Mỗi ngày cho chồn ăn 2 lần sáng và chiều, thức ăn cho chồn chủ yếu là chuối chín, cá rô phi và cháo.
Kỹ thuật nuôi chồn hương không khó, thức ăn của chồn cũng rất phổ biến tại địa phương.
Cũng vì dễ thực hiện, nguồn thức ăn có sẵn tại chỗ mà nhiều người dân địa phương đã học hỏi ông Tòng phát triển nuôi chồn hương. Riêng ấp Tân Hòa, xã Tân Hưng đang có 15 hộ nuôi.
Anh Nguyễn Văn Na, hộ dân đã nuôi thành công và có nguồn thu hàng chục triệu đồng vào năm ngoái, chia sẻ: "Nuôi chồn ban đầu chưa rõ kỹ thuật thì hơi khó khăn nhưng bây giờ thì bình thường.
Thức ăn thì tận dụng tại chỗ được, chuối, cá ở nhà có sẵn có thiếu thì mới đi mua thêm. Ban đầu tôi nuôi 5 con, giờ đã có thu nhập 70 – 80 triệu đồng/năm. Nuôi thì quan trọng là cho ăn đầy đủ, mỗi sáng rửa chuồng sạch sẽ thì nó sống, phát triển bình thường".
Mô hình nuôi chồn hương đã chứng minh hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Chính quyền sở tại cũng định hướng sẽ nhân rộng mô hình để giúp người dân vươn lên.
Gia đình anh Nguyễn Văn Na (áo thun) cũng đã có nguồn thu hàng chục triệu đồng nhờ nuôi chồn.
Ông Lý Minh Hiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết: "Trong thời gian tới Hội sẽ nhân rộng mô hình. Tôi cho hội viên có nhu cầu, đam mê nuôi chồn đến tham quan, rồi triển khai các kỹ thuật, con giống...
Về phía Hội Nông dân thì có nguồn quý hỗ trợ và ngân hàng chính sách cũng có nguồn, nếu hội viên có nhu cầu nuôi thì sẽ rà soát hỗ trợ cho những hộ tâm huyết muốn phát triển kinh tế từ nuôi chồn. Để phát triển lâu dài thì sẽ hướng tới sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi chồn để dễ quản lý, tìm đầu ra".
Nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn cũng có sẵn nên đang được nhiều hộ dân tại Cà Mau lựa chọn. Tuy nhiên, cũng vì dễ thực hiện nên cũng dễ dẫn đến phát triển ồ ạt, làm “cung vượt cầu”. Người nuôi chồn cũng đang bày tỏ lo ngại về thực trạng “được mùa, mất giá” sẽ lại diễn ra.
Trần Hiếu
VOV