Hầu hết các khách sạn trăm tuổi tại Việt Nam đều từng được lựa chọn là nơi đón tiếp và phục vụ nhiều chính khách, bậc vĩ nhân trên thế giới đến lưu trú. Tưởng rằng sau cả trăm năm hiện diện, những công trình này có phần "già nua" hay lép vế bởi nhiều đối thủ sinh sau đẻ muộn với thiết kế không ngừng đổi mới, song đến này, vẫn duy trì được mạch sống bền bỉ và hiên ngang tọa lạc trên những đất vàng đô thị.
Không chỉ thế, Metropole, Continental Sài Gòn, Rex Saigon, Morin Saigon hay Dalat Palace,...còn là những biểu tượng cho sự thịnh vượng và đẳng cấp của nhiều thành phố trải dài khắp cả nước.
Continental Sài Gòn - 142 tuổi
Khách sạn Continental Sài Gòn (xây năm 1880) tọa lạc ở đường Đồng Khởi, con đường xưa nhất và tấp nập nhất tại trung tâm Sài Gòn. Đây từng được gọi là ‘Đài Phát thanh Catinat’ vì đây là điểm hẹn quen thuộc của cánh nhà báo, phóng viên săn tin, các chính trị gia và doanh nhân tụ họp, bàn luận chuyện chính trị, làm ăn và thời cuộc.
Hotel Continental SaiGon là khách sạn đầu tiên của mảnh đất Nam Kỳ
Khách sạn có 86 phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 4 sao. Có 6 loại phòng là: Superior, Deluxe Garden, Deluxe City, Opera Room, Opera Suite và Heritage. Ngoài ra cung cấp dịch vụ nhà hàng, quầy bar, sự kiện,...Hiện thuộc sự quản lý của Saigontourist.
Từ năm 2011 đến trước khi đại dịch xuất hiện, Continental đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt công suất phòng bình quân 96%, có thời điểm đạt 100%, lượng khách quay trở lại từ 20%.
Nhờ vẫn duy trì được sức nóng và tăng trưởng, năm 2010, Continental Sài Gòn được bình chọn là ‘Khách sạn mang ấn tượng Việt Nam’ trong chương trình ‘TP Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị’. Năm 2012, khách sạn vinh dự được UBND TP Hồ Chí Minh chứng nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật.
Saigon Morin - 121 tuổi
Ra đời sau vào năm 1901, Hotel Saigon Morin là một khách sạn 4 sao toạ lạc ở đường Lê Lợi, trung tâm TP. Huế, được doanh nhân người Pháp Henri Bogaert xây dựng. Thời điểm ra đời, đây là khách sạn duy nhất của thành phố Huế. Saigon Morin sau đó thuộc sự quản lý của Công ty CP Du lịch Hương Giang góp vốn 50% liên doanh với Saigontourist.
Saigon Morin là khách sạn duy nhất tại Huế năm 1901
Thời gian đầu hoạt động, ngoài việc phục vụ du khách, Saigon Morin còn đảm nhiệm vai trò như một nhà khách của chính phủ Nam triều và chính phủ bảo hộ, cơ quan Trung kỳ, vang danh khắp Đông Dương. Vào thời kỳ hoàng kim, khách sạn là tâm điểm của những hoạt động văn hóa, thương mại và du lịch của đất Cố đô.
Năm 2016, Bitexco mua lại 62,8% cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang với mức giá khoảng 158 tỷ đồng và trở thành cổ đông lớn, "thâu tóm" Saigon Morin, thời điểm đó đã xảy ra cuộc tranh chấp Saigon Morin giữa Bitexco và Saigontourist.
Saigon Morin là một trong những dự án kinh doanh có hiệu quả tại khu vực miền Trung. Lãnh đạo khách sạn cho biết, bình quân mỗi năm, khách sạn đón gần 50.000 lượt khách du lịch đến lưu trú, dự kiến sẽ nâng cấp thành khách sạn Boutique 5 sao.
Được bảo tồn theo lối kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp, Sài Gòn Morin hiện cung cấp dịch vụ phòng ngủ đầy đủ tiện nghi với diện tích phòng 40-120m2. Tất cả phòng tắm đều được lát đá cẩm thạch sang trọng.
Metropole Hanoi - 121 tuổi
Bằng tuổi với Saigon Morin, Metropole Hanoi là công trình nổi tiếng bậc nhất tại Thủ đô Hà Nội nằm trên tuyến phố Ngô Quyền, là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng thể.
Thời điểm còn nằm trong danh mục của quỹ đầu tư VOF (thuộc VinaCapital), các báo cáo cho thấy Metropole là khách sạn nằm trong nhóm có doanh thu cao nhất tại Hà Nội, lên tới hàng chục triệu USD/năm. Giai đoạn 2011-2014, doanh thu mỗi năm dao động trên dưới 35 triệu USD, lợi nhuận ròng năm 2013 lên tới 9,7 triệu USD. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ khoảng 21-25%.
Cuối năm 2016, VOF công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán London việc vừa ký thoả thuận bán một "tài sản" quỹ đang quản lý cho một nhóm nhà đầu tư mới thành lập.
Nhiều thông tin cho rằng VOF đã bán Metropole Hanoi bởi trước đó, từ cuối năm 2012, VinaCapital đã rao bán 50% cổ phần khách sạn này với giá trị sổ sách thời điểm đó xác định là gần 59 triệu USD. Sau thương vụ bán Metropole Hanoi, VOF dự tính thu về 100 triệu USD tương đương với việc khách sạn này được định giá tối thiểu 200 triệu USD.
Sau khi VOF thoái vốn, Hanoitourist nắm quyền điều hành và khẳng định Metropole vẫn luôn là khách sạn có KQKD hiệu quả nhất trong hệ thống các khách sạn mà doanh nghiệp này sở hữu. Sofitel Legend Metropole Hanoi hiện có 364 phòng, bao gồm 2 tòa nhà.
Năm 2020, thị trường nghỉ dưỡng, khách sạn "đóng băng", doanh thu Metropole vì thế cũng giảm sút đáng kể ở mức 390 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019 và cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm.
Dalat Palace - 100 tuổi
Tròn 100 tuổi vào năm 2022 là Dalat Palace (ra đời năm 1922) nằm trên đường Trần Phú, với mặt sau nhìn về hướng hồ Xuân Hương, trung tâm Đà Lạt và được trang trí theo phong cách thuộc địa Pháp.
Dalat Palace hiện trưng bày hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật và công trình điêu khắc. Tháng 4/2016, theo thông tin chính thức công bố, Á hậu Dương Trương Thiên Lý đã mua lại Dalat Resorts (sau này là CTCP Hoàng Gia ĐL) - đơn vị chủ quản Dalat Palace.
Không nằm ngoài hệ quả của Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, Hoàng Gia ĐL có mức lỗ sau thuế 102,7 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu xuống âm 286,7 tỷ đồng.
Rex Saigon - 97 tuổi
Vào khoảng năm 1925, khách sạn Rex chỉ là một gara ô tô 2 tầng lầu tại góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi do người Pháp quản lý.
Tháng 9/1976, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tiếp nhận thương xá Rex và đổi tên thành Khách sạn Bến Thành.
Đến năm 1986, khi có chủ trương đổi mới kinh tế của Việt Nam, khách sạn Bến Thành được phục hồi lại biểu tượng đại diện là chiếc vương miện và lấy tên giao dịch quốc tế là Rex Hotel.
Từ khi về tay Saigontourist và được chỉnh trang nâng cấp, khách sạn Rex đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp hạng 4 sao. Đến tháng 7/2008, khách sạn Rex chính thức đạt tiêu chuẩn 5 sao với kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng.
Hiện nay, khách sạn Rex có 286 phòng ngủ sang trọng, 5 nhà hàng, 1 sân vườn, 1 câu lạc bộ trò chơi điện tử có thưởng, 1 spa cao cấp, hệ thống 11 phòng hội nghị với các trang thiết bị hiện đại, chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng và các văn phòng cho thuê. Trong đó có 1 phòng Tổng thống, dành riêng cho nguyên thủ quốc gia. Rex luôn nằm trong top những khách sạn đáng đặt chân đến nhất Việt Nam.
Giữa năm 2021, Chính phủ chủ trương cổ phần hóa 4 khách sạn của Saigontourist, trong đó có Rex và Continental Saigon. Tuy nhiên, lãnh đạo TP. HCM kiến nghị thành lập một công ty 100% vốn nhà nước để quản lý hoặc không cổ phần hóa để bảo tồn giá trị văn hóa và lịch sử.
https://cafef.vn/tuoi-doi-hon-tram-nam-nhung-khach-san-lau-doi-nhat-viet-nam-toa-lac-tai-cac-cac-vi-tri-dac-dia-van-la-nhung-con-ga-de-trung-vang-20220320015220078.chnNhuận Hoa
Doanh nghiệp tiếp thị