Đau đầu bài toán nhân lực và hạ tầng du lịch
Tờ Thanh niên cho thấy một sự thiếu hút khá nghiêm trọng về nhân lực trong ngành du lịch khi cho rằng, ngành này đang phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân lực lớn chưa từng thấy trong lịch sử.
Sau 2 năm đóng băng, hàng trăm nghìn hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên khách sạn, thậm chí là các ông chủ doanh nghiệp du lịch… đã dần đổi nghề và chỉ số ít có nhu cầu quay trở lại. Một số đơn vị thậm chí không còn người để làm. Lữ hành đã khó, các khách sạn, nhà hàng còn khó hơn vì nhân sự rơi rớt sau 2 năm đóng cửa.
Doanh nghiệp đang "khát" lao động để phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa - Ảnh: VOV.
Thực tế nhu cầu nhân lực ngành du lịch không thể lớn bằng khối sản xuất, chính vì vậy các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cần nhiều lao động đang đau đầu với bài toán tìm lao động.
Như phản ánh của tờ Tuổi trẻ, tại TP Hồ Chí Minh, hầu hết ở khu chế xuất, khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đang thông báo tuyển lao động với số lượng lớn, có khi đến cả nghìn người. Mức lương dao động từ 7,5 - 17 triệu đồng/tháng cùng nhiều ưu đãi nhưng tuyển mãi vẫn chưa đủ lao động.
Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp cho biết, lao động có nhiều lý do để nói lời chia tay với công ty như sợ dịch bệnh; đã tìm được việc làm phù hợp ở quê; nhà neo người nên không trở lại thành phố nữa. Doanh nghiệp về tận địa phương, liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm; kết nối với đơn vị môi giới lao động nhưng chỉ tuyển được rất ít công nhân, tờ Tiền Phong cho biết.
Cần chính sách “dài hơi” phục hồi thị trường lao động
Đối tác thì thúc giục vì đơn hàng chậm trễ, trong khi nhân lực chưa tuyển được. Các doanh nghiệp buộc phải tổ chức tăng ca và như thế người lao động phải đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, có tăng ca mãi được không khi sức người có hạn.
Như tờ Lao động xã hội dẫn chứng, nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận là chỉ có thể duy trì trong 1 tháng rưỡi cho đến 2 tháng là cùng, chứ hơn không thể vì như vậy, sức lực người lao động sẽ bị bào mòn.
Trong bài viết "Lời giải nào cho bài toán khát nhân lực?", tờ báo này cho biết, một số doanh nghiệp mong muốn có được những nguồn trợ lực từ chính sách tài chính tín dụng để trước mắt, có một nguồn ngân sách nhằm chiêu mộ được lực lượng nhân sự đủ dùng, trước khi nghĩ tới việc đào tạo, xây dựng lại nguồn nhân sự đủ mạnh cho giai đoạn tiếp theo.
Đây dường như là một phương cách để ứng phó với tình hình trước mắt, còn về lâu về dài cần nhiều yếu tố hơn nữa. Từ góc độ toàn thị trường lao động, báo Cựu chiến binh Việt Nam nhấn mạnh các chính sách lâu dài trước tình trạng thiếu hụt lao động vào quý I năm nay.
Theo đó, các chính sách "dài hơi" này bao gồm việc khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; có cơ chế xúc tiến hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản tại các khu công nghiệp như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường…
Cần chính sách “dài hơi” phục hồi thị trường lao động. Ảnh minh họa - Ảnh: VOV.
Ngoài các chính sách trên, có một giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề thiếu hụt lao động, đó là phải kết nối cung - cầu.
Như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện thị xã trên địa bàn thành phố tiếp tục khảo sát, rà soát nhu cầu tìm việc làm của người lao động và nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị để tiếp tục thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động, theo báo Lao động.
F0, F1 vẫn đi làm, nên không?
Như vậy, nhiều giải pháp đã được đề ra và triển khai nhưng nếu vẫn không đủ lao động doanh nghiệp phải làm gì?
Mới đây, Bộ Y tế đề xuất, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Long An là tỉnh đầu tiên ủng hộ chủ trương này bằng việc đưa ra văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 được tham gia làm việc trực tiếp.
Doanh nghiệp rất hào hứng với đề xuất trên của Bộ Y tế. Tờ Tuổi trẻ phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp đó là nếu doanh nghiệp không xét nghiệm, khó xác định một công nhân hiện đang mắc COVID-19 hay không bởi nhiều người không có hoặc triệu chứng nhẹ, bản thân công nhân cũng không biết mình mắc.
Những công nhân mắc bệnh cũng rất sớm bình phục, nhiều người âm tính trở lại sau vài ngày. Các doanh nghiệp cho rằng, chủ trương này thể hiện sự thích ứng linh hoạt và cũng giúp các doanh nghiệp đảm bảo nhân công sản xuất.
Tất nhiên, để F0, F1 đi làm không phải nơi nào cũng ủng hộ. Có nơi ủng hộ, nhưng cũng có nơi e dè. Trở lại câu chuyện tại Long An, kể từ khi tỉnh này có văn bản chính thức cho F0, F1 đi làm thì quy định này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Còn quá nhiều e ngại khi tổ chức cho F0, F1 trong thời gian cách ly được "tái hòa nhập cộng đồng", đặc biệt là nỗi lo lây lan dịch bệnh dẫn tới hậu quả khó kiểm soát.
Tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Và đề xuất cho F0, F1 đi làm được xem là một bước thí điểm để tiến gần đến mục tiêu bình thường hóa này. Do đó, rất cần một văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.16083021102302202-cul-nahn-tahk-naot-iab-ohc-oan-iaig-iol/et-hnik/nv.vtv