Kinh tế có xu hướng phục hồi, tăng trưởng nhanh trở lại
Vào thời điểm hiện nay có 2 đề tài được báo chí quan tâm nhất đó là chống dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã bước sang một giai đoạn chống dịch mới, với tư duy mới, biện pháp mới và kết quả khá khả quan thì báo chí giờ đây hướng nhiều hơn vào quá trình phục hồi của nền kinh tế. Đọc qua các trang báo trong tuần, có thể thấy là xu hướng của nền kinh tế, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, đang có những dấu hiệu rất tích cực.
Những con số đáng mừng được tờ Nhân dân đề cập đó là sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so cùng kỳ, riêng ngành chế biến, chế tạo - động lực dẫn dắt của nền kinh tế tăng 10%. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng ở mức ba con số. Doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 11,9%, cho thấy niềm tin của cộng đồng sản xuất, kinh doanh vào môi trường đầu tư.
Còn tờ Sài Gòn giải phóng dẫn bài viết của trang Asian Investor, trong đó có dự báo lạc quan rằng GDP của Việt Nam tăng hơn 7% trong năm nay nhờ sự phục hồi tiêu dùng, khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn để đón khách du lịch nước ngoài và gói kích cầu trị giá 15,3 tỷ USD vừa được thông qua vào đầu năm nay.
Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Báo chí cũng cho rằng, dù thời gian gần đây, xung đột giữa Nga và Ukraine đã có nhiều ảnh hưởng tới kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam, thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất khẩu vẫn có triển vọng tốt.
Tạp chí Hải quan dự báo, chiến sự Nga - Ukraine cộng với chi phí nhiên liệu, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng là những yếu tố tác động lên giá thành sản phẩm tôm Việt Nam năm 2022, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Dù vậy, xuất khẩu tôm cả năm dự báo vẫn sẽ đạt mức cao, trên 4 tỷ USD.
Cả hệ thống chính trị nỗ lực tháo gỡ từng nút thắt cản trở sự hồi phục của nền kinh tế
Trước thực tế đầy rẫy khó khăn thì những kết quả tích cực được duy trì từ đầu năm đến nay, cũng như những dự báo khá sáng sủa cho cả năm 2022 không phải tự nhiên mà có. Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị đang nỗ lực tháo gỡ từng nút thắt đang cản trở sự hồi phục của nền kinh tế.
Trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cũng cần nhắc tới một sự kiện quan trọng của Quốc hội đó là phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để tất cả các đại biểu Quốc hội đều có thể tham gia chất vấn. Sự đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn, hai nhóm vấn đề được lựa chọn cũng được đánh giá là "đúng, trúng" và đang là những vấn đề quan trọng, được cả nước quan tâm, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và mục tiêu hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chuyện giá xăng.
Tại phiên chất vấn này, với sự tham gia của các lãnh đạo Chính phủ, trưởng ngành, cùng các đại biểu Quốc hội vấn đề giá xăng dầu đã được tranh luận, trình bày rất kỹ, để qua đó cho thấy rõ các giải pháp điều hành đang và sẽ được áp dụng nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của giá xăng dầu.
Rất nhiều các biện pháp đã được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ, giảm gánh nặng, để người dân không phải quá thắt chặt chi tiêu, còn doanh nghiệp bớt sốt ruột trước áp lực từ giá xăng dầu. Ảnh minh họa.
Tờ Sài Gòn giải phóng nhấn mạnh khẳng định của Bộ Công Thương đó là: Nguồn cung xăng dầu không lúc nào thiếu. Tờ báo này cũng đề cập tới hàng loạt các giải pháp như giao cho các doanh nghiệp tăng nhập khẩu lên gấp đôi sản lượng bình thường, hay xử lý nghiêm các doanh nghiệp găm hàng, chờ nâng giá. Chính phủ cũng đã có nghị quyết đềnghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuếbảo vệ môi trường.
Tờ Tuổi trẻ lại quan tâm tới giải pháp đó là nếu giá xăng còn tăng tiếp, Bộ Công Thương sẽ đề xuất giảm tiếp các loại thuế, phí khác. Thậm chí, nếu hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao, có thể đề xuất sử dụng các quỹ an sinh để hỗ trợ các đối tượng nghèo, doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
Như vậy, rất nhiều các biện pháp đã được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ, giảm gánh nặng, để người dân không phải quá thắt chặt chi tiêu, còn doanh nghiệp bớt sốt ruột trước áp lực từ xăng dầu vào sản xuất kinh doanh, dù nguyên nhân này là khách quan từ giá dầu thế giới. Tất nhiên, những giải pháp này sẽ làm giảm nguồn thu của Nhà nước, nhưng ở tầm vĩ mô, sẽ giúp tạo thêm động lực cho quá trình phục hồi của tổng thể nền kinh tế.
Chống thất thu thuế TMĐT xuyên biên giới: Dùng công nghệ khắc chế công nghệ
Liên quan tới nguồn thu, trong tuần qua có một thông tin rất đáng chú ý và khá tích cực đó là ngành thuế các năm qua đã thu thuế qua các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Báo Đầu tư nhận định, ngành thuế cần đầu tưxây dựng các công cụ phầnmềm chuyên dụng trong tìmkiếm dấu vết, phát hiện và xửlý giao dịch thương mại điện tửcó gian lận, vi phạm thuế.
Được biết, Tổng cục Thuế sẽ sớm khai trương cổng thông tin điện tử về khai thuế xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển ứng dụng để tự động tính thuế và nộp thuế online và Trung tâm dữ liệu điện tử về thuế, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu.
Như vậy, trong thời điểm hiện nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều giải pháp đã được thực thi nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt, những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm, cũng như để ứng phó với những diễn biến khó lường trong thời gian tới. Đây hoàn toàn có thể coi là cơ sở để nền kinh tế Việt Nam đẩy nhanh quá trình phục hồi, hiện thức hóa những dự báo ngay trong năm nay.
VTV.vn - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 21/3 tới, cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và môi trường mạng xã hội sẽ khai trương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.61243030102302202-et-hnik-nen-ioh-cuhp-hnirt-auq-hnahn-yad-nahk-ohk-og-oaht/et-hnik/nv.vtv