Cụ thể, lợi nhuận ròng của Aramco tăng thêm 124%, từ 49 tỷ USD vào năm 2020 lên 110 tỷ USD vào năm 2021.
Aramco ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 88,2 tỷ USD vào năm 2019 trước khi khi đại dịch COVID-19 tấn công các thị trường toàn cầu, gây thiệt hại lớn cho ngành dầu mỏ và hàng không cùng những lĩnh vực khác.
Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, thị trường “vàng đen” đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong năm 2020. Giá dầu đã tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2014 trong năm nay, giữa bối cảnh nguồn cung toàn cầu thiếu hụt và ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Aramco đã chào bán 1,7% cổ phần trên thị trường chứng khoán Saudi Arabia vào tháng 12/2019, huy động được 29,4 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Aramco, Amin Nasser, cho biết trong một tuyên bố: “Kết quả kinh doanh mạnh mẽ của Aramco là minh chứng cho kỷ luật tài chính, sự linh hoạt của công ty trong bối cảnh các điều kiện thị trường mới xuất hiện và kiên định tập trung vào chiến lược tăng trưởng dài hạn”.
Ông nói thêm: “Mặc dù các điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể, nhưng triển vọng vẫn chưa chắc chắn do các yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị khác nhau.
Theo ông Amin Nasser, kế hoạch đầu tư của Aramco nhằm đáp ứng nhu cầu dài hạn đối với nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng, an toàn và bền vững hơn bao giờ hết.
Ông chia sẻ: "Aramco nhận ra rằng an ninh năng lượng là điều tối quan trọng đối với hàng tỷ người trên thế giới, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc tăng công suất sản xuất dầu thô, mở rộng chương trình khai thác khí đốt và tăng công suất sản xuất hóa chất."
Saudi Arabia đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc khá nhiều vào dầu mỏ. Vào tháng Hai, Saudi Arabia - một trong những nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - đã chuyển 4% cổ phần của Aramco trị giá 80 tỷ USD vào quỹ tài sản quốc gia.
Việc chuyển nhượng này cũng là một dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia muốn mở cửa hơn nữa đối với “gã khổng lồ” dầu mỏ và "viên ngọc quý" của nền kinh tế Saudi Arabia. Năm ngoái, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết Aramco đang đàm phán để bán 1% cổ phần cho một công ty năng lượng lớn nước ngoài.
Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức hơn 100 USD/thùng - một phần là do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine.
Nga, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu, hiện đang phải chịu sức ép của các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ, bao gồm cả Saudi Arabia, cho đến nay vẫn từ chối lời kêu gọi của phương Tây về việc tăng sản lượng dầu để kiềm chế giá “vàng đen”.
Các nước này đồng thời nhấn mạnh cam kết của họ với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ khác, OPEC+, liên minh dầu mỏ do Riyadh và Moskva dẫn đầu.
Xem thêm: mth.39143432202302202-1202-man-gnort-021-noh-gnat-ocmara-iduas-nauhn-iol/nv.zibmanteiv