Cách đây hơn hai tuần, ông VVM (46 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) có biểu hiện ho, chảy nước mũi, hắt xì hơi, đau cổ họng… Nghi ngờ mắc COVID-19, ông M tự test nhanh và kết quả cho ra hai vạch.
Tăng cường dinh dưỡng và tập thể dục
Ông M nhanh chóng thông báo cho trạm y tế phường. Sau khi test lại, nơi đây xác định ông M bị COVID-19 nên cho thuốc kháng virus và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà. Ông M còn được trạm y tế tư vấn chế độ dinh dưỡng trong thời gian điều trị COVID-19 theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Nhân viên trạm y tế nói để hạn chế diễn biến nặng và nguy kịch, người mắc COVID-19 nên thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ để giúp hỗ trợ và tăng sức đề kháng. Nhân viên trạm y tế còn nói người nhiễm COVID-19 thường rơi vào trạng thái mất vị giác hoặc khứu giác nên giảm khả năng ăn uống. Do vậy, cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng” - ông M cho biết.
Nhân viên Trạm y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM hướng dẫn cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TRẦN NGỌC
Mỗi ngày, ông M ăn đủ ba bữa sáng trưa chiều với nhiều loại thức ăn đa dạng. Đặc biệt, ông M dùng nhiều thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, đậu các loại để giúp cơ thể khỏe mạnh. Ông M còn dùng nhiều trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, kể cả tỏi, gừng để tăng cường sức đề kháng. Hằng ngày, ông M còn bổ sung 1-2 bữa phụ gồm sữa, sữa chua, phô mai..., cũng như uống hơn 2 lít nước.
“Tôi còn tập thở, đi bộ hoặc chạy tại chỗ mỗi ngày hai lần, mỗi lần tầm 30 phút. Do ăn uống đủ chất dinh dưỡng, lại thêm thể thao nên tôi hoàn toàn khỏi bệnh COVID-19 sau bảy ngày điều trị tại nhà” - ông M nói.
Dùng nhiều vitamin và tắm nắng
Tương tự, bà NTMK (48 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng “đánh bại con COVID-19” sau bảy ngày điều trị tại nhà.
“Nhân viên trạm y tế nói vai trò của dinh dưỡng trong điều trị người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ và không có triệu chứng rất quan trọng. Người mắc COVID-19 bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng chức năng hệ miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến thời gian phục hồi, dễ gây biến chứng và tử vong. Nhân viên trạm y tế còn nói chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp liệu pháp điều trị phù hợp sẽ giúp người mắc COVID-19 mau khỏi bệnh” - bà K chia sẻ.
Trong thời gian điều trị COVID-19 tại nhà, ngoài uống thuốc kháng virus được trạm y tế phát, bà K còn dùng thêm khoai, bắp, đậu phộng, sữa tươi, sữa chua, thịt, cá, tôm, trứng, rau các loại, trái cây… Bà K còn tăng cường thực phẩm giàu vitamin A, C, E và khoáng chất để giúp nâng cao thể trạng. Khi chế biến bữa ăn, bà K cho thêm hành, tỏi, sả, gừng… để tăng cường chất kháng sinh thực vật.
“Tôi hạn chế dùng mỡ và nội tạng động vật, thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối...). Tôi cũng ít dùng nước ngọt có gas và bánh kẹo ngọt, cũng như thực phẩm chứa các chất kích thích (rượu, bia, cà phê, thuốc lá…). Chưa hết, mỗi sáng tôi dành 15-30 phút để “tắm nắng” nhằm tăng cường vitamin D, giúp ngủ ngon. Thỉnh thoảng, tôi gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho những bạn thân để nói này nói kia, hỏi này hỏi nọ cho tinh thần sảng khoái” - bà K cho biết.
Mệt, khó ngủ… khi đã khỏi bệnh COVID-19
Ông THT (38 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết ông đã điều trị khỏi COVID-19 hơn hai tuần. Tuy nhiên, hiện ông rơi vào tình trạng mệt mỏi buổi sáng và khó ngủ ban đêm.
“Tôi không bị bệnh nền, cũng không uống bất kỳ thuốc điều trị bệnh lý nào. Những biểu hiện nói trên chẳng lẽ tôi bị di chứng hậu COVID-19? Tôi phải điều trị sao đây để không bị suy nhược cơ thể” - ông T lo lắng.
Tương tự, bà LTMC (42 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng đã điều trị khỏi COVID-19 gần tháng nay. Tuy nhiên, hiện bà C thỉnh thoảng rơi vào trạng thái “quên trước quên sau”.
“Nấu nồi cơm quên cắm điện, chìa khóa cầm trong tay mà cứ đi tìm, nhắc con lau nhà cho dù nhà đã lau… Không biết hiện tượng này khi nào mới dứt. Cứ như vậy hoài, ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống” - bà C thở dài.
Không chỉ vậy, do đặc thù công việc nên bà C luôn phải tiếp xúc khách hàng. Trước đây, bà C bị nhiễm COVID-19 từ một khách hàng nên ngại việc này sẽ lặp lại. “Tôi không biết sau khi hết bệnh COVID-19, khoảng bao lâu có nguy cơ tái nhiễm” - bà C thắc mắc.
Trong khi đó, nỗi lo của chị NTNA (32 tuổi, ở quận Tân Phú, TP.HCM) hiện rõ trên nét mặt.
“Tôi là F0 và chữa khỏi được hơn hai tuần. Điều đáng quan tâm tôi mang thai được gần 28 tuần. Tôi thỉnh thoảng đau khớp, tóc rụng khá nhiều, đánh trống ngực… Chưa hết, đôi lúc ăn uống không ngon miệng, rối loạn vị giác, khứu giác… Không biết những biểu hiện trên có phải là di chứng hậu COVID-19 không? Điều trị sao cho hết? Điều tôi lo lắng nhất là không biết di chứng hậu COVID-19 có ảnh hưởng tới thai nhi không?” - chị A nói.
“Con tôi mới ba tuổi mà đã bị COVID-19 và đã chữa khỏi được hơn tuần. Không biết trẻ nhỏ có bị di chứng hậu COVID-19 không? Di chứng hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ biểu hiện như thế nào để cha mẹ có thể nhận biết được? Di chứng hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ có nguy hiểm so với người lớn không?” - ông TNH (34 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) thắc mắc.
Ông VHT (34 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) mắc COVID-19 và đã điều trị khỏi hơn tuần. Trong khi vợ ông T cũng là F0 và đã hết bệnh được gần ba tuần.
“Vợ chồng tôi hiện muốn có con thứ hai. Vợ chồng tôi vừa hết bệnh COVID-19 nên có thể “quan hệ” bình thường để có con được không?” - ông T hỏi.
Những thắc mắc sẽ được làm rõ trên Pháp Luật TP.HCM “Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19” là chủ đề buổi tọa đàm do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Công ty GONSA tổ chức vào 9 giờ thứ Ba, 22-3-2022. Các chuyên gia sẽ giúp người dân hiểu, thực hành một số kỹ năng cơ bản để có thể tự chăm sóc sức khỏe tại nhà sau khi nhiễm và hết nhiễm COVID-19, bao gồm các chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe - khám sức khỏe định kỳ, các hoạt động thể dục thể thao... Cảnh báo những thói quen, cách hành xử, cách sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng hay các bài trị liệu không đúng có thể ảnh hưởng sức khỏe. Cảnh báo một số nhóm “đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương hay di chứng” sau khi nhiễm COVID-19 để có biện pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách... Chương trình có sự tham gia của các bác sĩ trực tiếp điều trị người mắc COVID-19 và phục hồi sức khỏe hậu COVID-19: TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa nội hô hấp cơ xương khớp BV Nhân dân Gia Định. ThS tâm lý lâm sàng - BS CKI Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng Khoa tâm lý y học BV Tâm thần TP.HCM. ThS-BS Nguyễn Văn Đàn, Phó Trưởng Khoa y học cổ truyền ĐH Y Dược TP.HCM. Mời bạn đọc đặ câu hỏi ở phần bình luận dưới bài viết. |