Mới đây, Bộ Công an có dự thảo lần sáu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB). Trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất phân loại giấy phép lái xe (GPLX) thành 11 hạng, với các tên gọi có sự khác biệt so với hiện nay, gồm A01, A2, A3, B, C, D, D2, BE, CE, D2E và DE.
Chưa phù hợp với Công ước Viên
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết mới đây, Chính phủ đã đồng ý việc chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Như vậy, tới đây việc quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cần được quy định ở Luật Đường bộ.
Đối với dự thảo quy định về phân hạng bằng lái xe thành 11 hạng theo ông Quyền là không phù hợp với Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Viên) về việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế. Cụ thể, quá trình tham gia Công ước Viên, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ điều chỉnh quy định này vào thời gian phù hợp với Công ước Viên, tức là thời điểm sửa Luật GTĐB. Như vậy, trong quá trình sửa luật này, Việt Nam cần phải điều chỉnh để không vi phạm các quy định đã cam kết.
“Nếu tới đây quy định về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX được quy định ở Luật Đường bộ, Bộ GTVT phải xem xét một cách cụ thể nhưng tinh thần chung phải sửa đổi luật cơ bản phù hợp với Công ước Viên” - ông Quyền nói.
Theo TS Phan Thị Lan Hương, Phó phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, Nhà nước ta cần đảm bảo pháp luật nội địa có sự tương thích với pháp luật quốc tế. Việc phân chia GPLX thành 11 hạng sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức đánh giá thi sát hạch và cấp GPLX, cũng như khó mà bảo đảm tính khả thi trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện trong thực tế.
Lực lượng công an kiểm tra các giấy tờ của tài xế. Ảnh: L.TUYẾN
Nhiều bất cập, khó khả thi
Theo bà Hương, Điều 41.2 (b) của Công ước Viên quy định GPLX nội địa phù hợp với quy định của Phụ lục 6. Theo quy định của Phụ lục 6, Mục 5 về hạng phương tiện được cấp GPLX thì chỉ có năm hạng về phương tiện được cấp giấy phép bao gồm từ hạng A đến hạng E. Tuy nhiên, Mục 6 của Phụ lục 6 cũng quy định: “Pháp luật nội địa có quyền quy định những hạng phương tiện bổ sung khác với những hạng phương tiện từ A đến E như trên, loại phương tiện và tổ hợp phương tiện và phải được ghi rõ trên GPLX”. Như vậy, theo quy định này thì quốc gia thành viên có thể có nhiều hạng GPLX hơn so với năm hạng mà trong Công ước Viên quy định.
Tuy nhiên, theo dự thảo lần sáu về Luật Trật tự, an toàn GTĐB dự kiến phân loại GPLX thành 11 hạng, với các tên gọi có sự khác biệt so với hiện nay, gồm A01, A2, A3, B, C, D, D2, BE, CE, D2E và DE. Theo bà Hương, việc phân loại thành 11 hạng như hiện nay có một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, thứ nhất, đối với xe máy hạng A được quy định chi tiết thành các hạng A01, A2, và A3. Việc phân chia thành các hạng chi tiết này cần phải dựa trên đánh giá nghĩa của nó trong công tác quản lý cũng như sự cần thiết của việc phân hạng. Bởi lẽ khi đặt ra nhiều hạng chi tiết thì kèm theo đó cần có quy trình cụ thể cho việc đánh giá, sát hạch và cấp GPLX. Người lái xe hạng A01 hoàn toàn có khả năng để lái xe ba bánh không?
Trên thực tế, việc cấp GPLX không chỉ dựa vào phương tiện mà dựa trên việc đánh giá, sát hạch khả năng, năng lực điều khiển phương tiện để cấp GPLX. Do đó, cần phải làm rõ sự khác biệt và sự cần thiết trong việc phân loại chi tiết các hạng GPLX đối với xe máy. Nói cách khác, cần làm rõ cơ sở pháp lý và sự khác biệt cũng như cần đánh giá mức độ cần thiết của việc quy định chi tiết hạng A như trong dự thảo hiện nay.
Thứ hai, đối với GPLX hạng B, theo quy định trong dự thảo đối với GPLX hạng B và BE như sau: “Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến chín chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại ô tô quy định cho GPLX hạng B có gắn kèm
rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg”. Và “Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng B khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750 kg”.
Như vậy, quy định này là không phù hợp với tinh thần của Công ước Viên, bởi theo quy định của Công ước Viên, đối với “xe có gắn kèm
rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg” phải thuộc hạng mục E (tổ hợp phương tiện). Hơn nữa, việc chỉ dựa vào trọng lượng rơmoóc là 750 kg để phân loại hạng B và BE sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác giám sát tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế, tính khả thi liệu có được đảm bảo?
“Làm thế nào để xác định khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc” khi CSGT tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm? Điều này cũng tạo ra những kẽ hở trong áp dụng pháp luật khi lái xe hạng B sẽ được phép lái xe tổ hợp hạng BE? Ngoài ra, đối với các hạng giấy phép khác cũng có một số bất cập tương tự như vậy...•
GPLX cũ được sử dụng như thế nào? Bộ Công an có quy định cụ thể về chuyển tiếp GPLX. Theo đó, GPLX A1, A2, A3 giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng khi có nhu cầu. GPLX hạng A1, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật GTĐB 2008 được đổi, cấp lại như sau: GPLX hạng A01 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A1; GPLX hạng B đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng B1, B2; GPLX hạng C đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng C; GPLX hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng D; GPLX hạng D đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng E. Ngoài ra, GPLX hạng BE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FB2; GPLX hạng CE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FC; GPLX hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FD; GPLX hạng DE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FE. Cũng theo Bộ Công an, GPLX các hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật GTĐB 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực và có giá trị tương đương với GPLX các hạng B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE theo quy định của luật mới. T.PHAN |