Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Phải kiểm soát được giá xăng dầu
Việc tăng giá xăng dầu đã gây ra hiệu ứng domino khiến hàng loạt mặt hàng tăng giá, chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) tăng cao và đợt tăng giá này vẫn chưa dừng lại. Sau đợt dịch COVID-19, DN vẫn chưa kịp hồi phục thì bị thêm “cú sốc” về giá. Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, DN không thể tăng giá bán tương ứng với mức tăng chi phí đầu vào.
Trước mắt, cần phải kiểm soát giá xăng. Bằng mọi giá, phải giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) tương xứng. Nên giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/lít thay vì chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/lít như đã đề xuất để kéo giảm giá xăng xuống. Nếu tới đây, giá xăng tiếp tục tăng thì phải giảm thêm một số loại thuế, như tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu và giảm mọi chi phí khác liên quan đến xăng dầu. Thuế TTĐB chỉ dành cho các mặt hàng xa xỉ. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, được sử dụng hằng ngày mà vừa đánh thuế TTĐB, vừa đánh thuế BVMT là không hợp lý. Nên giảm thuế VAT cho các lĩnh vực, ngành nghề thay vì phân loại nhóm để tránh gây khó khăn cho DN.
Mặt khác, cần triển khai nhanh gói 350.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đã được Quốc hội thông qua), có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Gói này sẽ giúp DN giải quyết được hai khó khăn lớn về nguồn lao động và nguồn vốn giá rẻ.
Hiện tại, lãi suất (LS) mà các DN phải trả cho ngân hàng (NH) còn khá cao nhưng do ảnh hưởng của lạm phát, do huy động vốn khó khăn, các NH khó hạ sâu LS cho vay. Trong gói 350.000 tỷ đồng, có gói khoảng 40.000 tỷ đồng để bù LS 2%/năm cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cần triển khai gói này càng sớm càng tốt để hỗ trợ DN. Điều kiện tiếp cận gói này cũng phải dễ dàng, thông thoáng hơn, tránh tình trạng có tiền nhưng không giải ngân được hoặc DN không tiếp cận được.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có thêm ngân sách để lập một quỹ hỗ trợ riêng cho DN vay vốn với giá rẻ. Quỹ này có thể hình thành từ nguồn đầu tư công nhưng chưa phân bổ vì chưa có dự án hoặc dự án không triển khai. Để các NH mạnh dạn cho DN vay vốn trong bối cảnh DN không còn tài sản thế chấp, Chính phủ cũng cần thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia: Tháo điểm nghẽn về bất động sản cho TPHCM
Chính sách về vốn cho DN tại TPHCM cần phải đột phá. Nên chia DN cần hỗ trợ ra làm ba nhóm: một là DN vẫn còn vốn để làm ăn được, sống được; hai là DN còn khách hàng và có cơ hội phục hồi nhưng thiếu vốn; ba là DN mất thị trường, mất vốn, đang nợ và muốn phục hồi. Nếu được hỗ trợ như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, bù LS vay vốn 2%, DN ở nhóm một và hai sẽ phục hồi nhanh chóng trong năm 2022. Riêng với nhóm thứ ba, các chính sách thuế không có nhiều ý nghĩa vì DN đã gãy đổ. Chính quyền phải thực hiện chương trình kết nối DN với NH, giúp DN cho vay nợ, nuôi nợ để đòi nợ. DN sống được thì chắc chắn sẽ trả được nợ. Trước đây, TPHCM từng có mô hình rất hiệu quả là bù LS để di dời, đổi mới công nghệ, bù LS vào giáo dục, y tế.
Để khôi phục kinh tế của TPHCM, phải xác định được trụ cột tăng trưởng là gì. Tôi cho rằng, ngoài bốn nhóm ngành công nghiệp chủ lực thì ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, thương mại là những nhóm đóng góp nhiều vào cơ cấu tăng trưởng, có tác động lan tỏa. Như với bất động sản, chỉ cần tháo gỡ điểm nghẽn giấy phép kinh doanh là phát triển, chẳng cần hỗ trợ gì. Hiện TPHCM đang có tới 170 dự án tồn đọng, cần “nghẽn chỗ nào, gỡ chỗ đó”. Với các lĩnh vực khác, cần tiếp tục cải cách thủ tục để DN bung hết sức hồi phục, chỉ tập trung lo sản xuất chứ không lo về thủ tục.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Triển khai gói hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
Trong gói 350.000 tỷ đồng, có tới 110.000 tỷ đồng hỗ trợ DN, 113.550 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng. Điều quan trọng là cần có tiêu chí rõ ràng đối với DN cần trợ giúp, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên giải ngân cho những DN có khả năng cạnh tranh, có thị trường, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, DN có hợp đồng quốc tế, ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư kết cấu hạ tầng cũng cần tập trung vào những vùng có tiềm năng phát triển, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài. Cần công khai, minh bạch trong quá trình giải ngân, huy động các chuyên gia độc lập góp ý kiến, giám sát. Cần phát hiện những điển hình tiên tiến trong thực tế, đúc rút kinh nghiệm để vận dụng rộng rãi trong cả nước.
Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác khác nhau, trong đó có EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Việt Nam đã đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế, thương mại, có thể tìm thị trường thay thế khi thị trường Nga và Ukraine đang gặp khó khăn. Trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động bất thường, giá nguyên vật liệu tăng, giá trị các đồng tiền biến động, Việt Nam vẫn bảo đảm an toàn lương thực, hoạt động sản xuất công nghiệp hồi phục, hy vọng Việt Nam có thể hồi phục kinh tế, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng khoảng 4,5 - 5% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023.
DN cần vận dụng kinh tế số, chuyển sang sử dụng hợp lý trang thiết bị hiện đại, tiến tới tự động hóa để giảm bớt nhân công có chuyên môn thấp. Nhà nước cần hợp tác với DN cải thiện nhà ở cho người lao động, hỗ trợ chi phí đi đến xí nghiệp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho gia đình người lao động để thu hút người lao động trở lại làm việc.
Bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Doanh nghiệp phục hồi mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Có nhiều chính sách, gói hỗ trợ đã được thông qua, vấn đề là thực thi. Các gói hỗ trợ, chẳng hạn gói 350.000 tỷ đồng còn mơ hồ, không rõ đối tượng nào được hưởng và các điều kiện để DN tiếp cận là gì. Nhiều DN đã chạy vạy rất nhiều nơi để được hướng dẫn cụ thể nhưng mỗi nơi chỉ dẫn mỗi kiểu. Chủ trương ở trên thì đúng, hay nhưng đến lúc thực hiện thì không được. Các quy định của Nhà nước cần cụ thể, minh bạch để DN dễ tiếp cận được các gói hỗ trợ.
DN đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Riêng khâu vận tải đã khó khăn từ trước. Khó chồng khó khiến nhiều DN không cầm cự nổi. Mong Chính phủ có những nghiên cứu tường tận và đưa ra chính sách sát thực tế để hỗ trợ DN kịp thời, hiệu quả. DN phải phục hồi được mới thúc đẩy được tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế.
Hiện nay, DN ở TP.Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và các tỉnh miền Tây đều gặp khó về nguồn lao động. Cần có những giải pháp hỗ trợ để DN đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao hơn của người lao động về tiền công, mức lương, các chi phí phòng, chống dịch COVID-19, chỗ ở, phương tiện đi lại… Những mong muốn của người lao động là chính đáng nhưng khả năng DN không đáp ứng nổi khi nhiều chi phí đầu vào phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, nguồn cung, chính sách của Nhà nước.
Điều quan trọng là những chính sách mà Chính phủ, Quốc hội cam kết hỗ trợ cho DN, cho người dân thì phải thực hiện cho được để thể hiện quyết tâm thực sự của Nhà nước chứ không chỉ là lời hứa. Nhà nước phải có kỷ luật nghiêm về việc thi hành hay giải ngân muộn, gây khó cho DN.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6469541a-peihgn-hnaod-ohc-cus-ioh-ek-neih-aig-neyuhc/nv.moc.enilnounuhp.www