Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" BĐS trong năm 2022. Đặc biệt, khi nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường BĐS phát triển nóng.
Theo số liệu thống kê từ batdongsan.com.vn, đa phần các dự án chung cư dự kiến được bàn giao trong năm 2022 đều có giá bán khá cao (từ 30 triệu đồng/m2 trở lên), hướng đến nhóm khách hàng trung, cao cấp. Đối với đất nền, theo khảo sát của phóng viên, ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, có những khu vực giá đất tăng 50% so với cách đây 5 tháng.
Bộ Xây dựng cho biết năm 2019, cả nước có 82.604 giao dịch BĐS thành công; năm 2020 có 115.420 và năm 2021 có 282.105 giao dịch thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640; lượng giao dịch đất nền là 170.465. Tổng giá trị giao dịch BĐS cả nước là 30 tỉ USD/năm.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - nhận định thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng BĐS... - là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao. Phân khúc nhà ở cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp dẫn tốt do phù hợp hơn với nhu cầu giữ tài sản, do đó giá các phân khúc này sẽ tiếp tục tăng. Với phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp, giá sẽ tăng chậm hơn để duy trì lượng hấp thụ.
Nhận định về giá nhà ở năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng giá căn hộ sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người có nhu cầu mua ở. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, cho rằng giá sẽ ở ngưỡng hợp lý, biệt thự tăng 6%-7%, trong khi nhà liền kề và shophouse có mức tăng cao hơn. Đáng chú ý, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, thị trường BĐS năm 2022 sẽ chứng kiến sự mở rộng ra khu vực ven đô, các dự án đã hoàn thiện cơ bản sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua.
Nhiều chuyên gia cho rằng phân khúc nhà ở cao cấp và đất nền sẽ thu hút người mua trong năm 2022
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, cho rằng giá căn hộ sẽ tăng khoảng 3%-7%, tùy từng phân khúc, trong năm 2022. Phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng khoảng 5%-7%; phân khúc bình dân và trung cấp có thể tăng khoảng 3% -5%. Cùng với đó, tình trạng lệch pha cung cầu trong 2 năm tới vẫn sẽ tiếp diễn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, ngay từ đầu năm 2022, dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp nhưng giao dịch BĐS vẫn khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn. Tuy nhiên, trong dài hạn, lạm phát sẽ đẩy giá BĐS tăng lên nên thị trường BĐS năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt. Vì vậy, những vướng mắc về thủ tục pháp lý cần được tháo gỡ để giúp doanh nghiệp BĐS dễ dàng phát triển hơn trong năm 2022.
Ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng hiện nay, hệ thống pháp luật về đất đai và BĐS đang là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, việc khai thác các nguồn lực đất đai và thúc đẩy quá trình đô thị hóa là nguồn lực, cũng là động lực quan trọng nhất của quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, những hạn chế này đang tạo nên các điểm nghẽn mà chúng ta chưa giải quyết được. Cụ thể, sửa đổi Luật Đất đai đang phải tạm thời dừng lại, các giải pháp trong lĩnh vực BĐS du lịch cũng chưa được giải quyết. Do đó, việc giải quyết các điểm nghẽn này đang trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu.
Xem thêm: mth.21790802202302202-hnam-gnat-nav-nas-gnod-tab-aig/us-ioht/nv.moc.dln