Nhiều đoạn trong cuốn Phê bình phân tâm học Phía của những ám ảnh nghệ thuật được cho là giống y hệt trong cuốn sách Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy - Ảnh: T.ĐIỂU
Trớ trêu, ông Thúy chính là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách dường như đã "đạo" từ sách của ông.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh trong số báo ngày 15-3, cuốn Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS Vũ Thị Trang mới đây bị TS Đỗ Hải Ninh (cũng ở Viện Văn học) tố đã "đạo văn" toàn bộ 1 chương do bà Ninh viết trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học.
Đề tài nghiên cứu này thuộc Viện Khoa học xã hội do bà Trang chủ nhiệm đề tài, làm cùng với 5 người khác trong đó có bà Đỗ Hải Ninh và PGS.TS Đỗ Lai Thúy.
Bà Trang phủ nhận "đạo văn" và khẳng định chỉ đưa vào sách phần bà viết, còn phần bà Ninh viết thì bà Trang đã cắt bỏ khi in sách. Điều khẳng định này của bà Trang từng được Học viện Khoa học xã hội xác nhận trong công văn trả lời bà Ninh, nhưng bà Ninh không đồng ý.
Bà Trang cho biết vừa có đơn lên Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị phân xử vụ việc và từ chối trả lời thêm. Tuổi Trẻ đã liên hệ với Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và đang đợi câu trả lời.
Nhưng sau phản ảnh của bà Ninh, cuốn sách còn được phát hiện "đạo" nhiều đoạn trong cuốn sách Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam 2011) của Đỗ Lai Thúy, trong đó có những phần "trích dẫn" nguyên văn cả trang sách.
Những vi phạm này của cuốn sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật nằm trong mục 2.2.2 Lê Tuyên và thế hệ kế cận (thuộc chương 2 Tiếp nhận phân tâm học và phê bình phân tâm học ở Việt Nam), lấy từ chương 9 Phê bình phân tâm học thuộc phần 2 cuốn sách kể trên của Đỗ Lai Thúy.
Có thể thấy chương 2 Tiếp nhận phân tâm học và phê bình phân tâm học ở Việt Nam trong cuốn sách của bà Trang điểm lại lịch sử phê bình phân tâm học ở Việt Nam, từ người đặt nền móng đầu tiên là Trương Tửu cho tới Lê Tuyên và thế hệ kế cận, trong đó bà Trang đặc biệt tập trung vào Đỗ Lai Thúy mà bà đánh giá là có sự thành công vượt bậc trong việc sử dụng phê bình phân tâm học văn bản trong các công trình của mình.
Chương sách dành nhiều dung lượng để nhắc những nghiên cứu, phê bình của Đỗ Lai Thúy trong cuốn sách Bút pháp của ham muốn của ông.
Tuy nhiên, từ trang 93 đến trang 98 trong cuốn sách của bà Trang hầu như là những đoạn văn của Đỗ Lai Thúy trong cuốn sách kể trên. Cụ thể, trang 93, 94 chép nguyên xi các đoạn ở trang 229, 230 trong sách của Đỗ Lai Thúy.
Đoạn dài gần 3/4 trang 95 trong sách bà Trang chép từ trang 234 trong sách của Đỗ Lai Thúy. Trang 96 sách bà Trang chép từ trang 236 sách Đỗ Lai Thúy và vài đoạn trong trang 97, 98 sách bà Trang chép từ trang 239, 240 sách ông Đỗ Lai Thúy.
Dư luận đặt câu hỏi lớn về việc PGS.TS Đỗ Lai Thúy viết lời giới thiệu cho cuốn sách của bà Trang có tới 6 đoạn dài chép từ sách của mình mà không biết, hay còn có những "cắc cớ" khó nói giữa những người trong cuộc và nó không hiếm trong chuyện làm khoa học ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là khoa học xã hội.
Hiện bà Trang và ông Thúy đều từ chối trả lời về vấn đề này.
Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, là hai đơn vị đã trao giải cho cuốn sách của bà Trang, cho biết đang đợi kết luận của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mới đưa ra quyết định với giải thưởng đã trao.
Tuần này, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam sẽ bàn cụ thể và đợi kết luận của đơn vị có chức năng để giải quyết vụ việc trên tinh thần "làm đến nơi đến chốn, sự thật phải là sự thật".
TTO - Cuốn sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS Vũ Thị Trang (Viện Văn học) sau khi được trao giải đã bị TS Đỗ Hải Ninh (cũng ở Viện Văn học) đưa thông tin lên mạng xã hội "tố" bà Trang đã "đạo văn" toàn bộ 1 chương.