Anh Vũ Gia Luyện, 35 tuổi, tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ thông tin quốc tế (Inter ITS) - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Làm việc ở một tập đoàn lớn, trui rèn thử thách, đặc biệt quãng thời gian công tác ở Cộng hòa Mozambique (châu Phi) với nhiệm vụ phát triển mạng viễn thông mới đã giúp anh Luyện hun đúc được ý chí, kiên trì, không ngại gian khó, không nề hà bất cứ việc gì để phát triển, tích lũy kinh nghiệm.
Ba năm sau, anh rời Mozambique, trở về Việt Nam làm việc. Tuy nhiên thời điểm trở về chưa được bố trí công việc đúng năng lực, đang quen với cường độ công việc cao nay lại ít việc hơn thúc anh suy nghĩ, tìm cơ hội, hướng đi mới. Sau nhiều năm cống hiến ở tập đoàn, anh quyết định xin nghỉ việc.
"Nhiều người nghĩ đến nhưng không dám làm"
Tháng 10-2015, Công ty ITS ra đời. Hướng đi chính là cung cấp các dịch vụ viễn thông, sản phẩm đầu tay ra đời mang tên tổng đài đa kênh hợp nhất giúp tiết kiệm khoảng 60% thời gian làm việc, tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Về sau, anh cùng đội ngũ công ty tiếp tục cho ra đời các giải pháp, sản phẩm như giải pháp cuộc gọi thương hiệu doanh nghiệp (Voice Brandname), nhắn tin đa nền tảng MAAP, dịch vụ giá trị gia tăng (VAS)…
Viễn thông là thế mạnh, nhưng nhận ra xu thế phát triển mới của trí tuệ nhân tạo AI, anh quyết định phát triển song song, tạo ra hướng đi mới trong việc ứng dụng AI để giải quyết được những bài toán xã hội đặt ra.
Hàng loạt sản phẩm, giải pháp mới được ra đời như giải pháp tổng đài tư vấn viên ảo Callbot, xác thực giọng nói Voice Biometrics, định danh khách hàng điện tử eKYC, camera AI, đảm bảo an toàn doanh thu - RA, giải pháp xác minh chữ ký (Viet Signature)…
"Thời điểm bùng dịch COVID-19, tôi nhận thấy sự khó khăn trong tìm kiếm nguồn lực tình nguyện viên, khó khăn trong việc thống kê, báo cáo thông tin về các trường hợp F0, F1, F2. Tôi lên ý tưởng và trao đổi với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, trao đổi với các thầy cố vấn, chuyên gia để đưa ra giải pháp giải quyết tình hình lúc đó.
Hệ thống tổng đài Callbot được đưa vào ứng dụng, ngoài việc thu thập thông tin về các trường hợp F0, F1, F2, nắm bắt các triệu chứng và tình trạng sức khỏe, nhắc nhở thông điệp "5K" thì đến cuối ngày, tổng đài còn tổng hợp đầy đủ thông tin báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19" - anh Luyện cho biết.
Hiện nay, anh cùng đội ngũ công ty cũng đang tham gia phát triển hệ thống tổng đài tự động với đầu số 19000368 nhằm giải quyết các thắc mắc của người dân về căn cước công dân của Bộ Công an. Đồng thời, làm việc với các tỉnh, thành để có thể triển khai các tổng đài hỗ trợ người dân địa phương tra cứu thông tin, giải đáp thông tin về chính sách, thông tin về nông nghiệp hữu ích…
"Người hay nghĩ ra trò"
Luyện tự nhận mình là "người hay nghĩ ra trò". Sở hữu "cái đầu nhiều ý tưởng", trong bất kỳ tình huống hay khoảng thời gian nào, anh cũng cố gắng tìm tòi ra ý tưởng, giải pháp mới mẻ.
Ở mỗi giai đoạn, anh đều có những định hướng sáng tạo riêng. Những ngày còn làm việc ở tập đoàn, anh luôn suy nghĩ làm sao để tối ưu, tự động hóa được các luồng công việc, phát hiện ra lỗi sớm để xử lý lỗi, tối ưu và tiết kiệm thời gian, tăng doanh thu cho tập đoàn hay phát triển các công cụ, dụng cụ để ứng dụng trong công việc.
Khi bắt tay vào kinh doanh, anh luôn tìm tòi ra những công cụ, giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó, giúp doanh nghiệp dễ dàng tương tác với khách hàng, triển khai công việc nhanh hơn, tiết kiệm được chi phí, mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu, phát triển thương hiệu.
Ban đầu chỉ 3 thành viên tham gia cùng anh đặt "nền móng" xây dựng công ty. Mỗi khi có giải pháp mới, anh cùng cộng sự kiên trì chạy thử nghiệm trong khoảng thời gian 2 năm để tiếp cận thị trường, tạo hiệu ứng truyền thông, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Với các tập đoàn lớn, anh tuân thủ theo quy trình, đem sản phẩm, giải pháp đến giới thiệu, sau đó cho chạy thử tạo được ấn tượng vì mang đến giải pháp vượt trội, tạo ra nhiều ưu điểm như tăng hiệu suất công việc, giảm chi phí.
"Trong những năm đầu tiên bắt tay làm công nghệ thì rất khó có lãi, vì phải đầu tư rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu ra giải pháp. Tuy nhiên làm được một thời gian, nếu được xã hội chấp nhận thì sẽ lãi rất cao. Chính vì thế, doanh nghiệp công nghệ thường sử dụng rất nhiều vốn trong thời gian đầu, nhưng nếu đạt được tốc độ sẽ thành công nhanh hơn rất nhiều so với doanh nghiệp truyền thống" - anh Luyện chia sẻ.
Hơn 6 năm, công ty đã cho ra đời một "hệ sinh thái" sản phẩm, sở hữu gần 30 bằng đăng ký bản quyền sản phẩm công nghệ và viễn thông. Hầu hết các sản phẩm đã được triển khai trong thực tế, mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp, đối tác cung cấp lẫn trải nghiệm của khách hàng.
Khởi nghiệp không nên vội vàng Nhiều người khuyên nên khởi nghiệp đi, nhưng tôi luôn tâm niệm: Không phải ai cũng làm ông chủ được, không phải ai cũng làm ông chủ tốt, không phải ai cũng có thể mãi mãi làm ông chủ. Mình có sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm và gồng gánh công ty non trẻ của mình để tiến lên hay không? Khởi nghiệp là cả quá trình quyết tâm làm, phải chuẩn bị kỹ, suy nghĩ kỹ, đánh giá việc làm của mình có ích gì cho xã hội hay không để mình làm. Một khi đã quyết tâm, đã tính toán mọi thứ, có nguồn lực, có thể hướng tới ra được sản phẩm, "chịu" được đến lúc bán được hàng, ra được tiền, ra được sản phẩm thực sự có ích cho xã hội thì phải quyết tâm làm, và làm luôn.
Vũ Gia Luyện
Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ
Sau ba tuần phát động, chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up lần 3 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc, các nhà khởi nghiệp trẻ và các đơn vị đồng hành. Nhiều ý tưởng hay đã liên tục được gửi về cho chương trình.
Khởi động từ năm 2019, sự kiện thường niên Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up ra đời nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các start-up cả nước.
Chuỗi sự kiện năm 2022 tiếp tục được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-2022).
Hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp, chuỗi sự kiện nhằm khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.
Qua ba năm, chuỗi hoạt động đã thu hút hàng trăm dự án khởi nghiệp thành công tại TP.HCM và nhiều nơi trên cả nước gửi về tham dự. Qua tuyển chọn, ban tổ chức đã vinh danh và hỗ trợ trên 50 dự án tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thông qua chương trình, nhiều giải thưởng giá trị đã được trao cho các gôn thủ xuất sắc và những gương mặt start-up tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Năm nay, ngoài diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" được mở trên báo Tuổi Trẻ điện tử tại địa chỉ tuoitre.vn, chương trình còn có buổi giao lưu của các nhà khởi nghiệp trẻ với các gôn thủ - những doanh nhân có nhiều câu chuyện khởi nghiệp thú vị muốn chia sẻ cho giới trẻ vào đêm gala 25-3 tại sân golf Long Thành (Đồng Nai) ngay sau khi kết thúc giải đấu, buổi chia sẻ "Cảm hứng khởi nghiệp" vào ngày 31-3 tại Đại học Quốc gia TP.HCM (TP Thủ Đức).
Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức họp báo vào ngày 22-3 tại khách sạn Sheraton (quận 1) để giới thiệu sâu hơn các nội dung chi tiết.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Volvo Car Việt Nam Tân Thuận CT&D, Esuhai...
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
TTO - Sau hai lần tổ chức thành công, giải Golf Tournament for Start-Up bị gián đoạn vào năm 2021 vì dịch bệnh bùng phát. Nhưng cũng như ngọn lửa khởi nghiệp luôn rực cháy, giải golf mang ý nghĩa đặc biệt đã sớm trở lại.
Xem thêm: mth.38350920202302202-iom-3-oec/nv.ertiout