Chiều 20.3, đoàn công tác của Quốc hội (QH) do Chủ tịch QH Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của QH (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM).
TP.HCM đề xuất có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng của một “siêu đô thị” Ngọc Dương |
Nội lực kinh tế TP.HCM khá vững
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2021 đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn người lao động. Trong bối cảnh đó, kinh tế thành phố tăng trưởng âm sâu, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng như thu ngân sách vượt dự toán, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng, kiều hối đạt 6,6 tỉ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng so với cùng kỳ…
TP.HCM cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng TP.HCM thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Điểm nổi bật của 2 tháng đầu năm 2022 là tổng thu ngân sách 2 tháng đạt hơn 88.000 tỉ đồng, đạt 22,8% dự toán năm. Điều đó cho thấy nội lực kinh tế TP khá vững và còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển. Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) đạt 6 - 6,5%.
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi thông tin UBND TP.HCM đã trình HĐND TP thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trên 10 ha (tổng diện tích hơn 1.840 ha); trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỉ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A.
Dù vậy, một số nội dung khác của Nghị quyết 54 vẫn chưa được triển khai, chậm trễ so với kế hoạch. Có thể kể đến TP.HCM chưa được hưởng 50% khoản tiền bán đấu giá tài sản công của các cơ quan T.Ư trên địa bàn. Nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được hưởng vì thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa…
Cần cơ chế đột phá cho “siêu đô thị”
Để có thêm điều kiện phát triển với đặc thù của một “siêu đô thị” khoảng 13 triệu dân, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị QH cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết giai đoạn 2023 - 2025, hoặc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng của một “siêu đô thị”. Trọng tâm của nghị quyết mới và nghị định của Chính phủ là cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho TP.HCM đối với 4 lĩnh vực: Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật - xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
“Vừa qua cơn bạo bệnh và đang bật dậy rất mạnh mẽ”
Thay mặt Đảng bộ TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn các cơ quan của QH và Chính phủ đã luôn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành phố vượt qua khó khăn. Năm 2021 là năm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 cũng như xử lý nhiều vấn đề tồn đọng, nhưng do dịch bệnh nên ảnh hưởng đến tiến độ. “TP.HCM là đầu tàu kinh tế, vừa qua cơn bạo bệnh và đang bật dậy rất mạnh mẽ. Khi người dân và doanh nghiệp bật dậy mạnh mẽ thì bổn phận, nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển của thành phố càng nặng nề hơn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị QH xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 và các cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án trọng điểm này; tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm, xem xét các cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức; áp dụng cơ chế đấu thầu dự án thay cơ chế đấu giá đất công để bảo đảm sự hài hòa giữa thu ngân sách với mục tiêu phát triển…
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn
Hạ tầng là một trong những điểm nghẽn lớn mà nhiều lãnh đạo bộ, ngành nêu ra tại buổi làm việc. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói rằng giao thông TP.HCM hiện ách tắc khắp nơi, các cửa ngõ về các tỉnh đi lại rất khó khăn, các cảng đang tắc nghẽn nghiêm trọng, đặc biệt là cảng Cát Lái. Đáng lo ngại hơn, tình hình kẹt xe sẽ còn trầm trọng khi dân số tăng, kinh tế - xã hội phát triển.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra diện tích đất dành cho giao thông còn hạn chế, trong đó diện tích bến bãi mới đạt khoảng 17%.
Về điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng trong lần điều chỉnh quy hoạch này, TP.HCM xem xét bài toán tổng thể, phân vùng chức năng, hình thành các đô thị vệ tinh kết nối đồng bộ với trung tâm… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì cho rằng trong quy hoạch TP.HCM cần quan tâm đến việc hình thành khu phức hợp y tế kỹ thuật cao ở TP.Thủ Đức…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhìn nhận TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp khoảng 22 - 25% GDP, chiếm khoảng 25 - 27% tổng thu ngân sách nhà nước, có nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường rộng lớn, là nơi thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QH, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Chủ tịch QH đánh giá năm 2021 dù chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng TP.HCM đã khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, thể hiện sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, có nhiều mô hình hay và từng bước kiểm soát được dịch bệnh để trở lại điều kiện bình thường mới. Chủ tịch QH cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức mà TP.HCM phải đối mặt, trong đó có nhiều chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đề ra, gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của cả nước. Do vậy, TP.HCM cần phải chủ động tìm ra thêm các động lực tăng trưởng mới, nâng chất lượng các động lực cũ.
Về phương hướng và nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch QH đề nghị TP.HCM cần tiếp tục tập trung giám sát, kiểm soát dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai các chính sách phục hồi kinh tế, nhất là các chính sách về tài khóa, tiền tệ vừa được QH thông qua; rà soát chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa, đề ra giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần tập trung hoàn thành các dự án đã kéo dài nhiều năm; các công trình, dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch không gian ngầm đô thị…
“TP.HCM cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng TP.HCM thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước”, Chủ tịch QH nói.
Đánh giá các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM là những vấn đề chiến lược, Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan của QH và bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, QH tháo gỡ trên tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”. Riêng Nghị quyết 54/2017, TP.HCM cần sớm tổng kết, đánh giá, sau đó báo cáo, đề xuất các kiến nghị mới để có cơ sở trình QH xem xét bổ sung các chính sách mới.