Ghi nhận của VnExpress tại cửa hàng sâm Ngọc Linh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TP HCM), mỗi ngày đều có khách đặt hàng sâm củ loại có trọng lượng trên dưới 100 gram, có giá 25-30 triệu đồng một lạng.
"Loại này có tuổi đời lên tới 16 năm được khách khá ưa chuộng. Đôi lúc hàng chưa kịp trưng bày hết ngày, khách đã mua hết", nhân viên cửa hàng trên nói.
Tại Quảng Nam, sâm Ngọc Linh cũng thu hút nhiều người tiêu dùng. Ở phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 51 diễn ra hôm 4/3, có trên 1.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được khoảng 3,2 tỷ đồng, trong đó, sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 25 kg, thu về gần 3 tỷ đồng.
Chị Oanh, một thương lái buôn sâm ở Kon Tum cho biết, năm qua dịch bệnh phức tạp nhưng số lượng đặt hàng vẫn tăng gấp 2-3 lần so với các năm trước đó. Tuy nhiên, theo chị Oanh, số lượng sâm có hạn nên chị không thể đáp ứng đủ nhu cầu, chỉ có thể cung ứng với số lượng tăng 20% so với 2020.
Tương tự, chị Thảo – một hộ trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum cho hay, khách đặt mua nhiều nhưng hàng không có. Mỗi lần chị chỉ gom được của các hộ xung quanh thêm khoảng 2,3 lạng sâm trên 8 năm tuổi.
Ông Nguyễn An, Giám đốc thương mại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum – đơn vị sở hữu 1.000 ha sâm Ngọc Linh - cho biết loại này không chỉ được thị trường trong nước mà cả quốc tế cũng ưa chuộng.
"Năm 2021, doanh thu từ sâm Ngọc Linh của công ty tăng trưởng 50% so với cùng kỳ 2020", ông An nói.
Theo ông An, để "quốc bảo" của Việt Nam được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, công ty đã bày bán sâm tươi và các sản phẩm chế biến tại các cửa hàng chuyên biệt ở các trung tâm thương mại và cửa hàng trên 25 tỉnh thành. Toàn bộ sản phẩm đều có mã vạch để truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng tránh được hàng giả, hàng nhái.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, giá sâm củ Ngọc Linh trên thị trường hiện dao động 15-30 triệu đồng 100 gram (tùy kích cỡ). Ngoài sâm củ, các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh như sâm yến, dịch chiết suất, mật ong ngâm sâm Ngọc Linh có giá 660.000 đồng đến 4 triệu đồng một hộp hoặc hũ.
Nhu cầu cao, nguồn hàng lại khan hiếm nên thị trường xuất hiện nhiều loại củ "đội lốt" sâm Ngọc Linh với giá rẻ được bán tràn lan.
Theo đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum), thời gian qua rất nhiều sản phẩm là tam thất có xuất xứ ở miền Bắc được đưa vào Tây Nguyên để giả sâm Ngọc Linh bán ra thị trường.
Đầu tháng 3, cơ quan này phát hiện 3 thùng xốp trên một xe khách đường dài từ phía Bắc vào được bỏ xuống lề đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Đăk Tô. Kiểm tra 3 thùng xốp trên, lực lượng chức năng phát hiện 2 kg củ và 12 kg lá của loại cây tam thất. Loại tam thất này rất giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum đang được bán với giá rất cao trên thị trường.
Trước đó, nhà chức trách cũng kiểm tra một doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh tung ra thị trường nhiều sản phẩm, quảng bá rầm rộ. Họ còn công bố sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh nhưng khi ngành chức năng yêu cầu chứng minh thì không chứng minh được.
Do đó, cơ quan quản lý thị trường cảnh báo người dân cần mua hàng ở những nơi có uy tín và truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tránh mất tiền oan.
Ngoài ra, để phân biệt sâm Ngọc Linh giả và thật, PGS.TS Trần Công Luận, Nguyên giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP HCM cho rằng, người mua cần đem tới trung tâm kiểm nghiệm để biết thành phần của chúng. Tuy nhiên, là người có nhiều năm kinh nghiệm, ông Luận cho rằng có thể dựa vào các dấu hiệu trên củ sâm.
Thứ nhất, sâm Ngọc Linh tự nhiên mỗi năm chỉ mọc 1 thân, củ sâm có rất nhiều mắt. Các mắt sâm lõm vào trong và có vị trí so le với nhau. Thứ hai, sâm Ngọc Linh thật có u cục ở gốc, vỏ sần sùi, lõi có màu vàng hoặc tím đậm, tím sẫm. So với sâm giả từ củ tam thất hoang, khi sờ sẽ thấy vỏ nhẵn nhụi, ít u và có màu trắng.
Thứ ba, sâm thật có mùi thơm nồng rất đặc trưng, dễ nhận biết. Ngược lại, củ tam thất khi ăn sẽ thấy sồn sột, dai, vị ngái, nóng rát ở cổ. Thứ tư, Sâm Ngọc Linh lâu năm có điểm thắt, mọc không đều, củ hơi gầy. Nếu là sâm giả, củ sẽ đồng đều hơn, có điểm thắt, màu nhạt, mờ và nhẵn.
Điểm khác biệt thứ năm là lá của cây sâm Ngọc Linh mỏng, có răng cưa và đều, mỗi tán gồm 5 lá. Cuối cùng, cành sâm nhỏ và vươn cao, rất dai và cứng, khó bị đứt.
Sâm Ngọc Linh được đưa vào danh sách quốc bảo của Việt Nam - một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc lúc còn làm Thủ tướng, từng đề nghị Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó yêu cầu làm rõ sâm này là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới.
Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long tìm ra năm 1972. Lúc đó, dược sĩ Long được giao nhiệm vụ cùng đồng nghiệp nghiên cứu thực vật, đặc biệt là đi tìm nguồn sâm ở vùng K5 phục vụ bộ đội. Khi đến độ cao hơn 1.000 m của núi Ngọc Linh, ông phát hiện ra loại sâm tiết trúc quý hiếm. Loại sâm này từng được các nhà thực vật phát hiện ở Lào Cai, Lai Châu.
Khi đó, dược sĩ Long gọi là sâm tiết trúc K5, rồi sau gọi là sâm đốt trúc Ngọc Linh theo tên địa danh phát hiện ra. Sâm Ngọc Linh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất gọi là Sâm Việt Nam, với tên khoa học là Panax Vietnamesis Ha & Grushv.
Thi Hà