Các mỏ dầu Kuwait bị cháy năm 1991 - Ảnh: Sebastião Salgado
Dưới lòng đất Iraq chứa đầy dầu chất lượng tốt, có thể khai thác với chi phí thấp. Ngành công nghiệp năng lượng đã trở thành đầu tàu lôi kéo nền kinh tế Iraq. Và rồi tài nguyên vàng đen đã mang đến bất hạnh.
Chiến tranh Iraq năm 2003 có liên quan trực tiếp đến vấn đề dầu mỏ khu vực.
TS JACQUES PERCEBOIS
Dầu thô rớt giá, Iraq động binh
Sau tám năm chiến tranh với Iran (năm 1980 - 1988), kinh tế Iraq đứng trên bờ vực phá sản. Một bộ phận đáng kể cơ sở hạ tầng dầu mỏ và công nghiệp đã bị phá hủy. Lạm phát phi mã. Đồng dinar Iraq mất giá. Nợ nước ngoài rất lớn, đặc biệt với Saudi Arabia và Kuwait.
Nguồn thu quốc gia của Iraq chủ yếu dựa vào dầu mỏ, vì vậy Iraq muốn giữ giá dầu cao để bảo đảm có đủ tiền trả nợ và tái thiết sau chiến tranh.
Những năm tháng khó khăn ấy đã bộc lộ sự phụ thuộc nặng nề của Iraq vào dầu mỏ - vốn đã được tập trung phát triển lấn át các lĩnh vực khác như nông nghiệp, trong khi Iraq lại không có khả năng đa dạng hóa nguồn thu.
Giá dầu thô do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ấn định, tuy nhiên các nước thành viên OPEC vẫn có thể tác động đến giá dầu bằng cách gia tăng sản lượng khai thác.
Giống như thời khủng hoảng dầu mỏ 1985 - 1986 trước đó, một số quốc gia quân chủ vùng Vịnh như Kuwait, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất lại không tuân thủ hạn ngạch của OPEC và khai thác quá mức khiến giá dầu giảm mạnh. Giá dầu thô tháng 7-1990 đã giảm từ 18 USD xuống còn 12 USD/thùng.
Trong bối cảnh ấy, Iraq bực tức đổ lỗi cho Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sản xuất dầu thô quá mức nên dầu rớt giá dẫn đến kinh tế Iraq lao đao. Đặc biệt, Iraq cáo buộc Kuwait xây dựng nhiều cơ sở quân sự và dầu mỏ trên lãnh thổ Iraq trong thời gian Iraq tập trung vào cuộc chiến chống Iran.
Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho rằng thái độ của Kuwait là hành vi tuyên chiến và buộc tội Kuwait ăn cắp dầu từ mỏ Iraq. Vin vào các lý do đó, Iraq đòi Kuwait xóa nợ. Kuwait phản bác, cho rằng tuyên bố của Iraq hoàn toàn vô căn cứ.
Ngày 20-7-1990, Iraq bắt đầu triển khai quân đến sát biên giới Kuwait. Ai Cập và Saudi Arabia nỗ lực làm trung gian hòa giải, dẫn đến cuộc gặp vào ngày 31-7 giữa Iraq và Kuwait tại Jeddah (Saudi Arabia).
Thế nhưng vào rạng sáng 2-8, bất ngờ quân đội Iraq triển khai gần biên giới đã tràn sang Kuwait mặc dù nhiều lần Iraq tuyên bố sẽ không sử dụng quân đội chống lại các nước láng giềng.
Iraq chiếm 20% tài nguyên dầu mỏ của Kuwait, tương đương gần 200.000 tỉ thùng dầu. Một khi đã thôn tính Kuwait, Iraq có thể xây dựng nơi đây thành cảng thương mại để có thể vận chuyển dầu thô bằng đường biển và không còn phụ thuộc vào các nước láng giềng nữa.
Tại Kuwait, Iraq lập ra chế độ bù nhìn mang tên "Chính phủ lâm thời của những người Kuwait tự do". Ngày 8-8, Iraq tuyên bố sáp nhập hai nước.
Sau đó, quân đội Iraq bắt đầu di chuyển về hướng nam, tiến đến biên giới Saudi Arabia, đồng thời tăng thêm quân số cho 100.000 quân ban đầu được điều động đánh Kuwait. Kịch bản Iraq tiến đánh Saudi Arabia có thể xảy ra.
Đầu tháng 8-1990, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua các nghị quyết yêu cầu Iraq rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Kuwait, đồng thời kêu gọi các nước cấm vận kinh tế đối với Iraq. Rạng sáng 17-1-1991, liên quân đa quốc gia do Mỹ đứng đầu đã mở chiến dịch không kích Iraq và một tuần sau tiếp tục mở chiến dịch tấn công trên bộ.
Ngày 26-2, Tổng thống Hussein tuyên bố trong ngày quân đội Iraq đã rút quân hoàn toàn khỏi Kuwait. Đến ngày 3-4, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 687 về ngừng bắn, chính thức kết thúc chiến tranh vùng Vịnh.
Binh lính Mỹ đứng gác gần mỏ dầu bốc cháy ở Rumaila (Iraq) vào tháng 4-2003 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Iraq - bể dầu của các nước phương Tây
Ngày 20-3-2003, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tấn công và chiếm đóng Iraq. Tổng thống George W. Bush viện lẽ cần loại bỏ Tổng thống Hussein và xóa bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt (hạt nhân, sinh học và hóa học) ở Iraq trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố được phát động sau vụ nước Mỹ bị tấn công ngày 11-9-2001.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Mỹ phản đối đưa quân sang Iraq cho rằng mục tiêu chính của chính quyền Mỹ là kiểm soát trữ lượng dầu mỏ của Iraq.
Trong xung đột, liên quân đã tìm cách bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iraq. Trong 500 giếng dầu ở Iraq, chỉ có 9 giếng ở miền nam bị phá hủy. Sau đó, hoạt động xuất khẩu dầu thô Iraq đã nhanh chóng được nối lại từ tháng 6-2003.
Tăng doanh thu xuất khẩu dầu mỏ sẽ cho phép các nước chủ nợ thu hồi ít nhiều các khoản nợ đối với nhà nước Iraq (nợ công của Iraq đã trên 21 tỉ USD). Các chủ nợ chính của Iraq theo thứ tự nợ giảm dần là Nhật, Nga, Pháp, Đức và Mỹ.
TS kinh tế học Jacques Percebois - giáo sư danh dự tại Đại học Montpellier I (Pháp) - đánh giá Mỹ phát động chiến tranh Iraq năm 2003 nhằm ổn định chính trị ở Iraq để ổn định giá dầu thô bởi vì tình hình xấu ở Iraq có khả năng gây bất ổn khu vực và làm tổn hại nỗ lực của Mỹ nhằm bảo đảm ổn định chính trị tại khu vực cung cấp dầu quan trọng cho các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Ngoài ra, Mỹ còn muốn khẳng định vai trò lãnh đạo trong khu vực mà ảnh hưởng của Nga ngày càng gia tăng đáng lo ngại.
Năm quốc gia lúc đó đã nắm giữ 2/3 trữ lượng dầu thế giới gồm Saudi Arabia, Iraq, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Iran. Iran đã tỏ rõ thái độ thù địch với Mỹ. Mỹ không còn tin cậy Saudi Arabia như trước, bởi trong vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, 15/19 tên không tặc đều liên quan đến Saudi Arabia. Do đó, thay thế chế độ Hussein bằng một chế độ đồng minh có thể giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào Saudi Arabia.
Vào thời điểm chiến tranh Iraq năm 2003, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đánh giá Iraq sở hữu hơn 112 tỉ thùng dầu (trữ lượng lớn thứ hai thế giới) và hơn 3.114 tỉ m3 khí tự nhiên, do đó Iraq là đầu mối cho các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.
Một số chuyên gia đánh giá nguyên nhân này quan trọng hơn nguyên nhân Mỹ muốn kiểm soát dầu hỏa Iraq bởi lẽ đến năm 2003, trong những năm dài Iraq bị cấm vận dầu mỏ, các nước vẫn có thể mua được dầu mỏ giá rẻ trên thị trường chợ đen.
Trong một thời gian dài, quốc vương Iran đã giữ vai trò cảnh sát khu vực với sự hỗ trợ của Mỹ. Sau khi chế độ quân chủ Iran sụp đổ năm 1979, Iraq đã cố đảm nhận vai trò này theo cách riêng như không ngần ngại khiêu chiến với Iran, tấn công Kuwait và đe dọa trực tiếp đến Saudi Arabia.
Do vậy, kiểm soát Iraq đồng nghĩa loại trừ "tác nhân gây rối" trong khu vực, đồng thời bảo đảm an toàn cho 55% trữ lượng dầu mỏ thế giới (trừ Iran).
Điều quan trọng đối với Mỹ là tránh yếu tố rủi ro mới bùng phát. Hiện diện quân sự để kiểm soát trữ lượng dầu mỏ Iraq có nghĩa là bảo vệ được Kuwait và UAE - hai quốc gia yếu kém về quân sự, đồng thời có thêm khoản bảo đảm trước nguy cơ bất ổn chính trị với Saudi Arabia.
TS Jacques Percebois phân tích chiến tranh Iraq năm 2003 không làm giá dầu tăng cao và kéo dài vì thị trường dầu thô đang thặng dư.
Kết thúc chiến tranh và vãn hồi hòa bình ở Iraq cũng không tác động làm giá dầu giảm xuống, bởi sản lượng dầu thiếu hụt của Iraq đã được các nước còn lại trong OPEC chia sẻ êm đẹp và duy trì kỷ luật hạn ngạch có thể mang lại lợi nhuận.
******
Trong cú sốc vàng đen thứ ba năm 2008, cách tăng giá dầu hết sức kỳ lạ. Thời gian từ lúc giá dầu 20 - 25 USD/thùng đến khi lên đến đỉnh 147 USD/thùng kéo dài hơn 5 năm.
>> Kỳ tới: Cú sốc thứ ba - điều khó tin đã xảy ra
TTO - Nếu hai cú sốc dầu thô năm 1973 và 1979 đã đẩy giá dầu tăng cao thì năm 1986 xảy ra tình huống ngược lại. Giá dầu thô sụp đổ đến mức thảm hại.