Anh N.T.Đ - môi giới tại Hà Nội đã giải nghệ. Lâu năm trong nghề, anh Đ. không lạ những mánh khóe của giới "cò đất", đặc biệt ở những điểm "sốt đất". Theo lời kể của anh Đ., trong số những người đi xem đất tại các điểm này, chỉ khoảng 10% là khách thật, còn lại đều là đội “cò đất”
“Họ đi ô tô, ăn mặc đẹp đẽ nhưng trong số đó có nhiều người đi thuê xe để diễn trò. Giá cả đều do đội "cò" quyết định và không có mức giá cụ thể hay cố định nào. Tùy vào hiểu biết của khách mà mức giá đó hợp lý hay không hợp lý. "Giới "cò" đất tinh lắm, nhìn ai là khách mới, ai là chủ đất, ai là môi giới biết ngay", anh Đ. nói.
Cũng theo lời anh Đ., trong "vở diễn" với nhà đầu tư, "cò" thường vờ có điện thoại đưa lên nghe, 3-5 phút lại nghe một lần rồi hét lớn các thuật ngữ chốt giá, tăng giá, lấy sổ đỏ, đặt cọc trăm triệu đồng… thoảng lại ghé tai khách thủ thỉ, nói chiết khấu vì quý mến, muốn để lộc cho nhau.
Khi đã "dụ" được nhà đầu tư thật xuống tiền và nắm chắc lợi nhuận trong tay (ít nhất 20 - 40%) thì "cò" âm thầm rút khỏi thị trường. Người mắc kẹt, theo lời anh Đ., thường là những nhà đầu tư non kinh nghiệm, thời gian tham gia thị trường chưa lâu.
Theo anh Đ., các chiêu thức trên không mới. Thị trường đã có những bài học nhãn tiền. Và nhiều người cũng rút được kinh nghiệm nhưng ngược lại thì không ít người vẫn mắc bẫy.
Tuy nhiên, sự tinh vi của "cò" đất sau nhiều năm tham gia thị trường có thể khiến F0 nóng ruột, xuống tiền mong thu lãi cao. Đánh vào lòng tham, giới "cò" thành công trong việc "lùa gà", "săn mồi".
Nghe thì bất lương, phi đạo đức nhưng thực tế chuyện này diễn ra tương đối phổ biến. Và tại không ít điểm nóng "sốt đất", một trong những nguồn cơn tạo nên sức nóng chính là đội nhóm "cò".
Thực tế, trong 2 năm qua, dù tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhưng nhiều cơn "sốt đất" đã liên tiếp xảy ra từ các đô thị lớn đến vùng nông thôn. Đáng chú ý, trong các cơn "sốt đất" đều xuất hiện chiêu trò phổ biến và quen thuộc nhất của giới đầu cơ bất động sản là tạo ra không khí sôi động cho khu vực cần đẩy giá, như trên đã nêu.
Hàng loạt thông tin đón đầu quy hoạch, dự án mới… đi kèm các thông tin rao bán "có cánh" được tung ra để thu hút nhà đầu tư xuống tiền mua. Chẳng hiếm những thông tin đồn thổi trên mạng xã hội, có mảnh đất giá 500 triệu đồng sau một đêm đã được rao giá lên đến 1 - 2 tỷ đồng.
Rất nhiều trường hợp một số đơn vị kinh doanh bất động sản hay các đối tượng là "cò" đất tự làm giá với nhau. Họ bơm, thổi về chuyện làm đường, mở khu công nghiệp, chuyển đổi trung tâm hành chính từ huyện, thị lên thành phố… để trục lợi từ việc "lướt sóng" mua bán bất động sản.
Chính những thông tin đó khiến thị trường đất bị "chao đảo", không ít hộ dân bán tháo nhà, đất nông nghiệp… vì thấy lợi trước mắt. Các địa phương đã phải ra thông báo nhằm cảnh báo người dân.
Mới đây, tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương (có địa chỉ ở Bình Dương) đã tổ chức dựng rạp tại khu đất trống sau đó "dàn dựng" cảnh "sốt đất", "nếu không mua nhanh sẽ không còn cơ hội".
Tương tự, trong 2 năm qua, tại nhiều địa phương đã và đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.
Bóc mẽ tình trạng "thổi giá", lãnh đạo TP. Hạ Long (Quảng Ninh) từng cho biết, trên địa bàn thành phố này xuất hiện tình trạng một số người môi giới đầu tư bất động sản mua đi bán lại các ô đất chưa đủ điều kiện giao dịch tại các dự án nhà ở chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại phường Thống Nhất, phường Cao Xanh, phường Hà Khánh…
UBND T.P Hạ Long nhận định, thực chất các giao dịch này chỉ là hoạt động mua đi bán lại giữa các nhóm môi giới đang thao túng thị trường, tạo ra các giao dịch "mồi" khiến cho khách hàng sập bẫy. Khi người dân đầu tư hết các ô đất mà các nhóm đầu cơ đã ôm, cơn "sốt ảo" sẽ chấm dứt, giá đất sẽ chững hoặc giảm sâu khiến những người mua đất bị mắc kẹt.
Đánh giá về tình trạng "cò" đất lộng hành, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thực tế có nhiều đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch đất đai rồi thổi giá, tạo cơn "sốt đất" để "lướt sóng". Trong các cơn "sốt đất" ảo, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp, vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Khi cơn "sốt đất" đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến xã hội.
https://cafef.vn/sot-dat-o-mieng-co-nha-dau-tu-f0-bi-lua-ga-ra-sao-20220321145229043.chnTheo Thanh Phong
Nhịp Sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.76090806112302202-oas-ar-ag-aul-ib-0f-ut-uad-ahn-oc-gneim-o-tad-tos/nv.zibefac