Ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM - Ảnh: T.N
Chiều 21-3, TP.HCM tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Thông tin tại họp báo chiều 21-3, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thời gian qua, báo chí có phản ánh tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt. Đơn vị này đã có văn bản gửi Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM để lập chuyên án điều tra, trích xuất camera phục vụ công tác điều tra.
Theo ông Hải, công tác phòng chống quấy rối tình dục trên xe buýt được đơn vị này tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức.
Hiện nay, hầu hết ở các nhà chờ, các bảng thông tin điện tử, các bến bãi đều cho lắp đặt camera giám sát. Bên cạnh đó, 100% xe buýt đều đã được trang bị camera theo quy định.
Hệ thống camera trên xe gồm 4 chiếc: 1 camera hành trình, 1 camera giám sát lái xe, 2 camera khác giám sát an ninh trên xe buýt. Tài xế, tiếp viên trên xe cũng đã được tập huấn các biện pháp xử lý tình huống xảy ra trên xe.
Ngoài ra, khi bị quấy rối hoặc muốn phản ánh tệ nạn khi tham gia giao thông, người dân có thể liên hệ đến tổng đài 1022 của Sở Giao thông vận tải để được tiếp nhận và giải quyết.
Cũng theo ông Hải, hiện nay hành khách vẫn còn e ngại trong việc tố giác tội phạm. Ông Hải mong cơ quan truyền thông có hình thức tuyên truyền, khuyến khích người dân tố giác tội phạm ngay với tiếp viên, tài xế khi sự việc diễn ra.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - phó Phòng tham mưu Công an TP.HCM - Ảnh: T.N
Cũng tại họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà - phó Phòng tham mưu Công an TP.HCM - cho biết trong quý 1-2022, tội phạm cướp giật, trộm cắp tại địa phương có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Trước phản ánh về việc trộm cắp tại khu vực vùng ven gia tăng, lực lượng công an đã đưa ra giải pháp tăng cường tuần tra, mật phục tại những khu vực phức tạp về an ninh trật tự, tăng cường lực lượng về cơ sở, huyện, xã.
Đại diện Công an TP.HCM khuyến cáo, khi gặp tình huống bị trộm cắp, cướp giật vào ban đêm, người dân cần tri hô ngay để tìm kiếm trợ giúp từ những người khác gần đó cùng cơ quan chức năng. Người dân cần hạn chế đối mặt với các đối tượng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
"Các đối tượng thường rất manh động, có thể sử dụng vũ khí, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân", ông Lê Mạnh Hà nói.
Bên cạnh đó, người dân cần ghi nhớ ngay biển số xe, đặc điểm nhận dạng của đối tượng để trình báo công an, phục vụ điều tra, xử lý. Một số trường hợp, người dân lấy lại được tài sản nên không trình báo công an, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
"Về mặt pháp lý, việc đối tượng cướp, giật bất thành đã hình thành tội phạm. Người dân cần trình báo công an để phục vụ xử lý, ngăn chặn các vụ việc khác có thể xảy ra", thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Ông Lê Mạnh Hà chia sẻ thêm, hiện nay, các lực lượng hiệp sĩ đường phố tại TP.HCM vẫn phối hợp với công an tham gia phòng, chống tội phạm trên tinh thần tự nguyện. Bộ Công an cũng đang xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Trong thời gian tới, sau khi hoàn tất, đây sẽ là cơ sở pháp lý để kiện toàn lực lượng hỗ trợ cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Về mặt chế độ chính sách, hiện tại, các quận huyện đã có quỹ bình yên cuộc sống nhằm hỗ trợ người dân chịu thiệt hại khi tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
TTO - Dù chỉ mới hoạt động được 1 tuần, tuyến xe buýt điện tại TP.HCM (số hiệu D4) đã quen dần với mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố và được sự ủng hộ của nhiều người dân.
Xem thêm: mth.55123908112302202-tyub-ex-nert-cud-hnit-ior-yauq-art-ueid-na-neyuhc-pal-mch-pt/nv.ertiout