Đêm 7/1/2012, thi thể một phụ nữ trẻ được phát hiện nằm cạnh đường ray ga tàu một tỉnh miền trung Ấn Độ. Báo cáo khám nghiệm tử thi xác định người này khoảng 21 -25 tuổi, chết vì ngạt thở.
Ba tuần sau, nạn nhân được xác nhận là nữ sinh viên 19 tuổi trường Cao đẳng Y tế Mahatma Gandhi ở Indore. Cô đột ngột biến mất vào buổi sáng đầu tháng 1/2012. Cha mẹ cô yêu cầu một cuộc điều tra, nhưng cảnh sát bác bỏ kết quả khám nghiệm và tuyên bố cái chết là một vụ tự sát.
Vụ án tưởng đã khép lại, cho đến tháng 7/2015, một vụ bê bối gian lận thi cử chấn động nước này được hé lộ, còn được gọi là vụ lừa đảo Vyapam, đặt theo từ viết tắt theo tiếng Hindu của văn phòng thi tuyển việc làm của chính phủ ở bang Madhya Pradesh.
Trong ít nhất 5 năm, hàng nghìn người hối lộ tổng hàng triệu USD cho mạng lưới quan chức giáo dục để xin điểm, nâng điểm và trúng tuyển vào các trường đại học y tế công lập.
Vụ bê bối lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2013, đe dọa làm tê liệt toàn bộ bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước, khi hàng chục nghìn cán bộ công chức bị phát hiện dùng bằng cấp gian lận. Một cuộc điều tra gây sốc bắt đầu, dẫn tới hàng trăm vụ bắt giữ.
Từ năm 2010, khi những bê bối này nhen nhóm, hơn 40 bác sĩ, sinh viên y khoa, cảnh sát và công chức có liên quan vụ lừa đảo Vyapam đã chết trong những vụ án bí ẩn, như cô gái 19 tuổi trên đường ray. Dư luận đồn thổi, những cái chết bí ẩn nằm trong âm mưu che đậy vụ bê bối, đứng sau là các quan chức cấp cao.
Giới chuyên gia cho rằng, gian lận kiểu này không phải là hiện tượng mới, nhưng có quy mô khổng lồ, cùng sự dính líu của các quan chức và các trường y tế danh tiếng.
Chính phủ lập đội đặc nhiệm để điều tra các cáo buộc. Nó nhanh chóng vươn bàn tay dài đến từng học sinh, phụ huynh, cả các quan chức cấp cao và thực hiện hàng chục vụ bắt giữ mỗi tháng.
Khi cuộc điều tra đang mở rộng, hàng loạt bị can chết bất thình lình, thậm chí chết cùng nhau, đều do tai nạn tông xe, ngộ độc thức ăn, mất tích, tự tử... trước khi lực lượng đặc nhiệm có cơ hội thẩm vấn họ.
Tháng 7/2014, hiệu trưởng của một trường cao đẳng y tế bị tìm thấy chết cháy trên bãi cỏ cạnh nhà. Ông không liên quan vụ bê bối nhưng đã kiên quyết đuổi học, cắt hợp đồng với các cán bộ và sinh viên đang học và làm việc tại đây. Một năm sau, thi thể người kế nhiệm ông cũng được tìm thấy trong một khách sạn ở Delhi cùng chai rượu whisky đã cạn và một vỉ thuốc chống trầm cảm.
Tháng 3/2015, con trai của thống đốc nước này chết tại nhà riêng. Cả thống đốc và con trai ông ta đều dính líu đến vụ gian lận điểm thi. Tháng 7 cùng năm, nhà báo nổi tiếng, theo đuổi vụ gian lận từ những ngày đầu, đột tử tại nhà riêng với các nguyên nhân không được công bố, vài ngày sau khi ông đăng bài phỏng vấn cha mẹ các sinh viên bị cáo buộc tham gia vụ lừa đảo...
Tổng cộng, 46 người đã chết một cách bí ẩn, xoay quanh vụ bê bối.
Hệ thống giáo dục y tế của Ấn Độ là một trong những hệ thống giáo dục lớn nhất trên thế giới với 381 trường y công lập và tư thục trên cả nước. Ấn Độ cung ứng khoảng 30.000 bác sĩ mỗi năm và các kỳ thi vô cùng khó khăn.
Một buổi sáng của kỳ thi năm 2013, vụ bê bối Vyapam bắt đầu được làm sáng tỏ khi nhóm cảnh sát đột kích vào Pathik, một nhà nghỉ giá 6 USD một đêm ở ngoại ô Indore, thành phố lớn nhất ở Madhya Pradesh.
Trong phòng 13, cảnh sát bắt gặp một sinh viên khoa được thuê với giá 650 USD để tham gia kỳ thi thay người khác. 20 kẻ mạo danh như vậy đã bị bắt vào sáng hôm đó.
Lời khai của những người này đã dẫn cảnh sát đến Jagdish Sagar, bác sĩ tại Indore. Ông ta thành lập mô hình kinh doanh thi hộ vô cùng béo bở bằng việc tìm kiếm các sinh viên nghèo học giỏi, cần tiền, làm bài thi hộ những thanh niên nhà giàu dốt nát nhưng vẫn muốn học y. Ở vị trí môi giới, ông ta thu gần 300.000 USD song chỉ trả cho người thi hộ 500-700 USD.
Cảnh sát thông báo Sagar đã tích lũy được khối tài sản kinh ngạc, gồm đất đai, xe hơi sang trọng và đồ trang sức. Ông ta ngủ trên một tấm nệm trị giá hàng trăm nghìn USD và chiếc giường hoàng gia không thể định giá.
Cảnh sát cáo buộc, từ những năm 1990, riêng Sagar đã môi giới trót lọt hàng trăm trường hợp. Nhưng Sagar chỉ là một trong số những kẻ môi giới kiểu này. Không ai biết có bao nhiêu sinh viên y và quan chức ngành y đã sử dụng "dịch vụ" này.
Tham vọng của Sagar ngày càng mở rộng, chuyển sang móc nối với những quan chức cấp trung và sau đó là cấp cao của chính phủ. Với những "xúc tu" này, Sagar và đồng bọn sau này thậm chí không cần thuê sinh viên giỏi làm bài hộ. Họ thống nhất vòi thêm tiền của thí sinh để thực hiện một phương pháp đơn giản và chắc ăn hơn nhiều: Những sinh viên trả tiền để được sửa kết quả được yêu cầu làm 5 câu hỏi mà họ biết chắc câu trả lời, và để trống tất cả câu còn lại. Từ "mật hiệu" này, các quan chức ngành giáo dục sau đó sẽ chỉ đạo cấp dưới truy cập vào máy tính lưu kết quả, thay đổi và bổ sung đáp án theo ý muốn. Tiền hối lộ để nhập học vào các trường y dao động từ 15.000 đến 40.000 USD.
Sau này, vụ gian lận vươn ra các ngành khác như thực phẩm, cảnh sát giao thông, sư phạm, lâm nghiệp...
Cảnh sát tìm thấy một bảng tính trong ổ cứng của nhóm gian lận, liệt kê tên của hàng trăm sinh viên đã trả tiền để gian lận trong kỳ thi, cùng tên của bộ trưởng, quan chức, và các khoản tiền đã thanh toán.
Khoảng 2.530 người đã bị buộc tội kể từ năm 2012. Khoảng 1.980 người đã bị bắt, và khoảng 600 người vẫn đang được cảnh sát tìm kiếm.
20 tòa án ở Madhya Pradesh xét xử không ngừng nghỉ các cá nhân liên quan trong thời gian này. Khi Cục Điều tra Tung ương (CBI) tiếp nhận vụ việc từ cảnh sát, họ phải cử một xe tải để chở tất cả tài liệu liên quan.
Nhưng các quan chức liên tục phủ nhận cáo buộc, cho rằng đây là thủ đoạn của đảng đối lập để bôi nhọ và nhấn chìm họ trong cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, vụ án liên tục bị thay đổi cơ quan điều tra và không đi đến đâu. Công chúng bắt đầu phẫn nộ với tốc độ xét xử các bị cáo, đổ xuống đường biểu tình, yêu cầu thống đốc bang từ chức, làm hình nộm, viết tên các quan chức nhận hối lộ và thiêu chúng.
Một trong số quan chức đầu tiên vào tù trong vụ án là Cựu giám đốc sở giáo dục bang, ông Laxmikant Sharma và 85 thuộc cấp. Sau 18 tháng ngồi tù, cựu quan chức được tại ngoại song đã qua đời tháng 5/2021, trong cao điểm dịch Covid-19 tại Ấn Độ. Chủ mưu của vụ bê bối, Jagdish Sagar được thả tự do sau 7 năm thụ án. Ngày 16/1 vừa qua, ông ta tiếp tục bị bắt giữ tại sân bay Ahilyabai Holkar theo Đạo luật vũ khí quốc gia, vì mang theo súng và hai hộp đạn qua cửa an ninh sân bay.
Vụ gian lận thi cử Vyapam hiện vẫn chưa chấm dứt, khi đến đầu năm nay, cơ quan điều tra đặc biệt, cảnh sát Ấn Độ vẫn tiếp tục bắt và đề nghị truy tố hàng trăm bị can khác.
Ngày 13/2/2017, Tòa án Tối cao đã tước bằng tốt nghiệp và đuổi học hơn 634 sinh viên y khoa. Trong bản án có đoạn: "Hành động của các bị cáo không thể chấp nhận được và hoàn toàn vi phạm pháp luật. Hành động của họ cấu thành hành vi lừa dối dân tộc. Nếu chúng ta mong muốn xây dựng một quốc gia trên nền tảng đạo đức, thượng tôn pháp luật, chúng ta không thể chấp nhận những sinh viên này. Không thể cho phép gian lận gây rối loạn và bòn rút xã hội".
Hải Thư (Theo The Guardian, Hindustan Times, The Hindu)
Xem thêm: lmth.3221444-od-na-us-hcil-tahn-gneit-iat-uc-iht-nal-naig-uv/ten.sserpxenv