Ngày 22/3, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trương Văn Ba, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Tp.HCM cho biết, trong quý I/2022, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý 52 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vi phạm, gồm 243.369 đơn vị sản phẩm trang thiết bị y tế, thuốc tân dược… với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 5,27 tỷ đồng.
Qua công tác kiểm tra, Cục Quản lý thị trường Tp.HCM phát hiện nhiều địa điểm kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc và các sản phẩm phòng dịch Covi-19 không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong quý I/2022.
Tại điểm chứa trữ, kinh doanh tại địa chỉ số 1942/91 Huỳnh Tấn Phát, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, cơ quan chức năng phát hiện 555 hộp thuốc tân dược hiệu Molnupiravir, Favipiravir do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ, không số đăng ký lưu hành.
Điểm kinh doanh chứa trữ hàng hóa, tại địa chỉ số EE6 Bạch Mã, phường 15, quận 10 kinh doanh 580 bộ xét nghiệm nhanh Covi-19 hiệu Besthree không có hóa đơn chứng từ.
Còn điểm kinh doanh tại địa chỉ số 233 đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú kinh doanh 270 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ.
Tại địa chỉ số 45 đường 18, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân kinh doanh 56.490 bộ kit test Covid-19 và 75.840 viên thuốc Liên Hoa Thanh Ôn không có hóa đơn, chứng từ.
Nhà thuốc y học cổ truyền Gia Hưng, tại địa chỉ số 103 Phù Đổng Thiên Vương, quận 5 kinh doanh 21.200 viên thuốc đông y các loại không có hóa đơn chứng từ. Địa chỉ số 7/50A đường 182, phường Tăng Nhơn Phú A, Tp.Thủ Đức bán 1.123 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã hết hạn sử dụng.
Ông Trương Văn Ba, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Tp.HCM đánh giá: “Lợi dụng tình hình dịch bệnh trên địa bàn Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung, khi nhu cầu mua các sản phẩm phòng, chống dịch, vật tư y tế, thuốc để sử dụng của người dân, đặc biệt là các mặt hàng kit test nhanh Covid-19 và thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 tăng, nhiều đối tượng đã kinh doanh trái phép, mua bán hàng nhập lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Cũng theo ông Ba, do tình hình dịch vẫn đang diễn biễn phức tạp, nhu cầu người tiêu dùng sử dụng thuốc điều trị, kit test nhanh, sản phẩm phòng chống dịch bệnh tăng cao nên sẽ có biến động về giá. Song song đó, tình hình kinh doanh thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tăng theo.
“Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường Tp.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đẩy mạnh thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ và triển khai các kế hoạch về tăng cường công tác quản lý địa bàn; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các loại thuốc, thực phẩm chức năng và sản phẩm phòng dịch”, ông Trương Văn Ba khẳng định.