Theo đài RT, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định tiếp tục áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc trấn áp, đe dọa và quấy rối các nhà hoạt động nhân quyền cả ở Trung Quốc và trên thế giới.
Trong bài đăng trên trang Twitter của mình hôm 21-3, Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành “nạn diệt chủng” đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như có hành vi đàn áp ở Tây Tạng và Hong Kong.
“Trung Quốc đang cố gắng đe dọa, sách nhiễu và trấn áp những người bảo vệ nhân quyền trong và ngoài nước” - Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng “những ai vi phạm nhân quyền sẽ phải tiếp tục đối mặt hậu quả”.
“Mỹ bác bỏ mọi nỗ lực của các quan chức Trung Quốc nhằm quấy rối, đe dọa và trấn áp người dân thuộc các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số, bao gồm những người tìm kiếm sự an toàn ở nước ngoài và công dân Mỹ, những người lên tiếng thay mặt cho những nhóm người dễ bị tổn thương” - ông Blinken nói thêm.
Các nhà hoạt động nhân quyền biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở London, Anh, ngày 3-2. Ảnh: RT
Theo đó, lệnh hạn chế thị thực của Mỹ sẽ nhằm vào những quan chức "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các chính sách và hành động" nhắm vào các cộng đồng thiểu số, nhà hoạt động xã hội dân sự "ở Trung Quốc và hơn thế nữa".
"Chúng tôi cam kết bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới” - Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Như một ví dụ về “sự đàn áp xuyên quốc gia” của Trung Quốc, Mỹ cho biết Bắc Kinh đang cố gắng “bịt miệng” các nhà hoạt động thuộc cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ bằng cách từ chối cho phép các thành viên gia đình của họ rời khỏi Trung Quốc.
Ông Blinken cho biết Washington kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt nạn diệt chủng đang diễn ra và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương, các chính sách đàn áp ở Tây Tạng, đàn áp các quyền tự do cơ bản ở Hong Kong” và các hành vi lạm dụng khác ở những nơi khác.
Lệnh hạn chế được công bố sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có cuộc điện đàm hôm 18-3, RT đưa tin.