Lời cảnh báo đột ngột của ông Biden
Đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden bất ngờ ban hành một cảnh báo khẩn đến các doanh nghiệp trong nước - nhóm nắm giữ phần lớn cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Ông Biden nhắn nhủ giới doanh nghiệp nên nâng cấp hệ thống phòng thủ mạng ngay lập tức vì tình báo nhận thấy Nga đang cân nhắc các phương án tấn công mạng đối với Mỹ.
Sau đó, ông chủ Nhà Trắng còn trực tiếp gửi một thông điệp khác tới một hội nghị kinh doanh ở thủ đô Washington.
"Năng lực tác chiến mạng của Nga là tương đối mạnh mẽ. Tổng thống Putin chưa phát động chiến tranh mạng, nhưng nó vẫn nằm trong sơ đồ chiến thuật của ông ta", ông Biden nhấn mạnh.
Moscow có thể sử dụng các cơ quan tình báo hoặc băng nhóm tội phạm mạng để tấn công vào các cơ quan chính phủ, bệnh viện, cơ sở hạ tầng và tiện ích quan trọng của Mỹ.
Theo CNN, việc Nga mở ra một mặt trận an ninh mạng, hoặc ít nhất là ám chỉ về một cuộc chiến trên không gian mạng với Mỹ là hoàn toàn phù hợp với chiến lược leo thang căng thẳng của ông Putin. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu nhà lãnh đạo Nga có thực sự mạo hiểm phát động một cuộc chiến tranh mạng toàn diện với Mỹ hay không.
Bà Anne Neuberger - phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về không gian mạng, đầu tuần này cho biết sau khi phát hiện các "động thái chuẩn bị" của Moscow, Washington đã tổ chức họp mật với các doanh nghiệp và lĩnh vực dễ bị tấn công mạng. Song, bà nói hiện tại không có bằng chứng cho thấy bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào.
Một báo cáo chuyên sâu của CNN tuần trước cho thấy, dù Nga đã phát động các cuộc tấn công mạng quy mô nhỏ vào hệ thống ngân hàng và cơ quan chính phủ Ukraine, cho đến nay vẫn chưa có thảm họa an ninh mạng nào lớn như mất điện diện rộng, hệ thống nước bị nhiễm độc hay chuỗi cung ứng bị tê liệt.
Động cơ tấn công Mỹ của ông Putin
Tương tự các tuyên bố dựa trên thông tin tình báo trước đó của Washington, cảnh báo mới từ ông Biden vẫn còn nhiều ẩn số, chẳng hạn như liệu Moscow có thực hành động, tại sao vị tổng thống Mỹ thông báo vào lúc này và thông điệp ông muốn phát đi là gì.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin có những lý do nhất định khi muốn nhắm tới nước Mỹ và khiến người dân Mỹ hoảng loạn, hãng tin CNN nhận định.
Các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà phương Tây giáng xuống đang tàn phá nền kinh tế Nga. Cấm vận càng kéo dài, đời sống của những người dân Nga bình thường càng dễ bị tổn hại. Lĩnh vực ngân hàng của Nga đã bị cô lập khỏi thế giới và Moscow đang dần trở thành một kẻ bị ruồng bỏ.
Trong khi đó, quân đội của ông Putin không thể đánh nhanh chốt gọn Ukraine như kỳ vọng ban đầu. Bế tắc quân sự có thể buộc ông chủ Điện Kremlin phải leo thang căng thẳng để tăng đòn bẩy địa chính trị với các cường quốc phương Tây.
Ngoài ra, ông Putin cũng có thể đang tìm cách trả đũa cho việc phương Tây cung cấp vũ khí chống tăng và vũ khí phòng không cho Ukraine. Số vũ khí này đang được Ukraine sử dụng để tiêu diệt binh lính Nga tại châu Âu. Do đó, thay vì tấn công trực tiếp, Moscow có thể thực hiện các chiến dịch phi quân sự nhằm đáp trả Mỹ.
Thành tích "chiến tranh mạng" của Nga
Nếu Nga phát động các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ ngay thời điểm hiện tại, điều đó có thể gây leo thang căng thẳng. Song, tấn công mạng lại không phải là một chiến thuật mới mẻ gì của Moscow.
Gần một năm trước, Washington cáo buộc Cục Tình báo Nước ngoài của Nga là tổ chức đã thực hiện vụ tấn công SolarWinds năm 2020 vào các máy chủ của chính phủ liên bang và một loạt doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ. Sau đó, Washington áp trừng phạt để trả đũa.
Giữa năm ngoái, một nhóm tội phạm gốc Nga tên DarkSide được cho là đã phát động một cuộc tấn công bằng mã độc vào đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline của Mỹ. Kết quả, Colonial Pipeline phải đóng cửa trong gần một tuần và phải trả hàng triệu USD tiền chuộc.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Geneva vào mùa hè cùng năm, ông Biden đã nhấn mạnh với người đồng cấp Putin rằng một số cơ sở hạ tầng quan trọng phải nằm ngoài phạm vi bị tấn công mạng. Khi đó, ông Biden đã vạch ra 16 lĩnh vực, như năng lượng và nguồn nước.
Trong đánh giá mới nhất, cộng đồng tình báo Mỹ cảnh báo rằng Nga đang tăng cường năng lực tác chiến mạng để nhắm tới các đường cáp quang dưới nước và hệ thống điều khiển công nghiệp ở Mỹ.
Theo cơ quan tình báo Mỹ, nếu tiếp cận được các công trình nêu trên, Nga có thể cải thiện và chứng minh khả năng phá hủy các cơ sở hạ tầng trọng yếu của đối thủ trong thời kỳ khủng hoảng.