Ngày 21-3, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh giảm. Theo đó, mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 giảm 632 đồng/lít, còn 29.192 đồng/lít.
Dù giá xăng giảm nhưng so với sáu lần tăng liên tục từ đầu năm đến nay thì vẫn còn cao. Điều này khiến không ít người gặp khó khăn trong việc chi tiêu hằng tháng.
Nhằm giảm bớt gánh nặng trước tình hình giá xăng vẫn cao, người dân đã thực hiện nhiều cách khác nhau để tiết kiệm xăng.
Rủ nhau đi làm chung
Những ngày qua, trên một số hội nhóm ở chung cư tại TP.HCM, nhiều người dân rủ nhau đi làm bằng xe chung để đỡ tiền xăng.
Anh Đăng Nam, đang ở chung cư tại quận 7, TP.HCM, cho biết: Từ nhà anh đến chỗ làm khoảng 20 km. Do tính chất công việc nên hằng ngày anh Nam phải đi làm bằng ô tô bảy chỗ. Trước đây, khoảng vài ngày anh đổ xăng một lần. Mỗi lần đổ khoảng 700.000 đồng sẽ đầy bình xăng. Hiện nay, mỗi lần đổ tiền xăng lên đến 1 triệu đồng mới đầy bình.
Để tiết kiệm chi phí đi lại, nhiều người đã tìm cách rủ nhau đi làm chung để tiết kiệm xăng. Ảnh: PHI HÙNG
“Khi xăng tăng giá thì nhiều thứ cũng tăng theo từ thức ăn, gas đến các dịch vụ khác. Mỗi thứ tăng một chút, cộng lại hằng tháng muốn chóng mặt. Để tiết kiệm tiền xăng, tôi đã lên group Facebook của chung cư rủ xem có ai đi làm chung xe không. Hằng ngày, lộ trình tôi đi làm từ quận 7 đến quận 1 và ngược lại. Nếu ai đi làm cùng cung đường và khung giờ với tôi thì đi chung. Hằng tháng chúng tôi sẽ chia tiền xăng ra để tiết kiệm chi tiêu” - anh Nam chia sẻ.
Chị Hồng Tiên (quận Tân Phú) cũng chia sẻ cách tiết kiệm xăng mà chị mới thực hiện một tuần qua: “Hằng ngày, tôi chạy xe máy đến công ty ở quận 3 để làm việc. Xăng tăng, tôi và một đồng nghiệp cùng công ty ở gần nhà rủ nhau đi làm chung, tiền xăng chia đôi. Dù trên đường đi tôi còn đưa con nhỏ đến trường nữa nhưng chịu khó dậy sớm chút thì mọi việc cũng suôn sẻ”.
Sinh viên xoay đủ kiểu
Giá xăng liên tục tăng không những ảnh hưởng đến người đi làm mà những sinh viên xa nhà cũng gặp khó khăn trong chi tiêu bởi họ còn phụ thuộc kinh tế gia đình.
Bạn Nguyễn Thanh Hoàng, sinh viên năm 2 Trường ĐH KHXH&NV, TP.HCM, chia sẻ: Em đang ở trọ tại quận 10, từ chỗ ở đến trường là quãng đường hơn 10 km. Trước đây, em đổ xăng cho xe Wave chỉ cần 50.000 đồng thì đi được năm ngày. Thế nhưng từ khi xăng tăng giá thì với từng đó tiền, xe em chỉ chạy được ba ngày là hết xăng.
“Ba mẹ em ở quê làm nông, cuộc sống cũng khó khăn. Gia đình cho em tiền sinh hoạt là 3 triệu đồng/tháng. Xăng tăng, nhiều vật giá khác tăng, em thay đổi thói quen, dậy sớm hơn để đi bộ lại trạm xe buýt đến trường. Nói chung, bằng mọi cách em phải gói ghém không để phát sinh thêm tiền khi giá xăng tăng” - em Hoàng cho biết.
“Em học ở quận 4 nhưng chỗ trọ em ở quận 3, cách nhau khoảng 7 km. Hằng ngày, em đi xe máy đến trường. Tuần rồi, mấy bạn trong phòng trọ bàn nhau đổi xe máy đi xe đạp cho đỡ tốn tiền xăng. Em đang tính chuyển trọ về gần trường để đi bộ đến trường, khi nào đi đâu cần thiết lắm mới đi xe máy” - em Trần Thảo, sinh viên năm 3 Trường ĐH Luật TP.HCM, nói.•
Năm điều cần lưu ý để tiết kiệm xăng cho xe Để tiết kiệm xăng dầu cho xe máy, ô tô, chúng ta cần lưu ý những điều sau: Thứ nhất, người sử dụng cần thường xuyên bảo dưỡng xe đúng định kỳ, nếu xe không bảo dưỡng đúng định kỳ thì những thông số như kim phun bị nghẹt, kim phun bị rò, pô xe bị nghẹt hoặc bugi bị mòn, nhớt cạn… Điều này dẫn đến việc tiêu hao nhiên liệu tăng lên. Thứ hai, khi lốp xe mềm sẽ gây hao xăng, do thông số lốp xe ảnh hưởng đến việc tiêu hao nhiên liệu cũng khá lớn, do đó nên kiểm tra lốp thường xuyên. Thứ ba, việc kẹt thắng xe cũng có thể gây hao nhiên liệu. Kẹt thắng sẽ làm tăng ma sát gây hao xăng nhiều, nhiều người mới lái xe còn xảy ra trường hợp kẹt thắng tay nhưng bản thân họ lại không biết, đây là yếu tố gây hao xăng trầm trọng. Thứ tư, khi chạy xe nên kiểm tra độ kín của nắp đậy bình xăng, xe đậy kín nắp để không cho không khí đi vào, không tạo vi khuẩn kỵ khí làm hư xăng. Ngoài ra, nếu nắp xăng không đậy kín sẽ xảy ra tình trạng bốc hơi xăng, đặc biệt là khi đậu xe ngoài nắng. Thứ năm, khi chạy xe chúng ta nên chú ý hệ thống đèn giao thông, nếu chúng ta thắng nhiều lần thì một lượng lớn xăng biến thành nhiệt, từ đó gây tiêu hao xăng. Do đó nếu thấy đèn đỏ xuất hiện thì từ xa nên nhả ga lại để xe tự di chuyển, không đạp thắng đột ngột. Nếu trường hợp đèn đỏ còn khoảng 25 giây trở lên chúng ta nên tắt máy xe, điều này vừa tiết kiệm xăng vừa tránh ô nhiễm môi trường. PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Phó Chủ tịch Hội Ô tô - Máy động lực TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM |