Hai trong nhiều trang sách của Vũ Thị Trang được Đỗ Thị Ninh cho là copy nguyên văn các đoạn ở trang 89, 99, 104, 118 mà bà viết trong báo cáo tổng hợp đề tài cấp bộ làm chung với bà Trang - Ảnh: T.ĐIỂU
Ông NGUYỄN QUANG THIỀU - chủ tịch hội - dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện.
* Thưa ông, là cơ quan đã trao giải thưởng cho cuốn sách của bà Vũ Thị Trang, trước những thông tin phản ánh cuốn sách "đạo văn" nghiêm trọng, Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận thế nào và đã làm gì?
- Việc chúng tôi trao giải cho cuốn sách này là chúng tôi đã làm đúng quy trình, quy chế. Chúng tôi đã làm việc đàng hoàng, công tâm. Còn chuyện ồn ào xảy ra với cuốn sách này là bất khả kháng. Nếu có chuyện vi phạm bản quyền thì đương nhiên giải thưởng đó sẽ phải rút. Vì trước hết cần tôn trọng tư cách, thái độ của một người sáng tạo, sau đó là chất lượng tác phẩm.
Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc thư kiến nghị của chị Đỗ Hải Ninh, đọc tư liệu liên quan, lắng nghe báo chí phản ánh về việc này. Chúng tôi cũng đã ra một thông báo sẽ cùng nghiên cứu mang tính độc lập những văn bản đối chiếu, đồng thời lắng nghe những cơ quan mang tính pháp lý quan trọng là NXB Khoa Học Xã Hội (nơi xuất bản cuốn sách của chị Trang) và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (là nơi có trách nhiệm cao nhất).
Nếu chị Trang vi phạm bản quyền thì cuốn sách phải bị loại bỏ vì không hợp pháp. Chúng tôi xác định phải xử lý vụ việc này một cách nghiêm minh nhưng kỹ lưỡng với những chứng cứ xác thực, tôn trọng quyền lợi của các phía.
Dư luận không ai đồng ý trong chuyện vi phạm bản quyền. Điều này là tối kỵ trong đời sống con người. Anh không thể lấy cái của người khác làm cái của mình, mang tên mình, đặc biệt là trong sáng tạo văn học nghệ thuật thì càng ghê gớm. Hội Nhà văn Việt Nam đang muốn tiến tới từng bước tiếp cận những gì đúng nhất, trung thực nhất và công bằng nhất.
Các nhà văn Việt Nam không đủ mạnh để âm thầm đi một đoạn đường dài chông gai của sáng tạo. Tìm kiếm lợi ích vật chất từ sáng tạo, chiều chuộng thị hiếu bình dân thì văn chương không thể xuất sắc. Nhà văn phải dám độc lập, dám phán quyết... và dám trung thực nữa, tất nhiên.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
* Một số người cho rằng các cơ quan liên quan đang chậm trễ xử lý vụ việc này?
- Đưa ra một phán quyết liên quan tới số phận một cuốn sách, và hơn thế là tư cách một con người, thì phải hết sức cẩn trọng. Và dù quyết định thế nào thì chúng tôi sẽ công khai chứ không có chuyện im lặng.
Giải thưởng Văn học trẻ là giải thưởng kiếm tìm những tín hiệu tốt cho một nền văn học trong tương lai, có tính động viên và dự báo, nên sự trung thực là rất quan trọng. Mọi sự gian dối đều phải gạt ra khỏi tất cả những giá trị mà hội muốn mang đến cho bạn đọc.
Vì vậy chúng tôi muốn có quyết định đúng đắn, công bằng, cương quyết nhất vì chúng ta cần một thế hệ tương lai phải đầy tư cách, không lấy cái lợi ích cá nhân ích kỷ hay danh hão huyền thay thế những giá trị đích thực.
Sự trung thực với thế hệ nào cũng cần nhưng thế hệ trẻ, những trí thức tương lai, những nhà văn sẽ làm chủ nền văn học Việt Nam trong 10 - 15 năm tới thì càng hệ trọng hơn rất nhiều. Hội Nhà văn Việt Nam phải làm việc này một cách minh bạch và rõ ràng, chúng tôi muốn làm điều đó.
* Trong trường hợp kết luận của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lại không trùng khớp với những tìm hiểu độc lập của Hội Nhà văn Việt Nam thì hội sẽ có quyết định ra sao?
- Hội Nhà văn Việt Nam lắng nghe ý kiến không chỉ của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cơ quan chức năng liên quan mà còn lắng nghe dư luận mang tính thiện chí, khoa học và lắng nghe truyền thông.
Nhưng tất cả chỉ có giá trị tham khảo, chúng tôi có quyết định riêng của mình. Có thể quyết định của hội sẽ ngược lại với kết luận của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và cơ quan chức năng. Hội Nhà văn Việt Nam có nghĩa vụ riêng, quan điểm riêng và trách nhiệm của mình về việc này.
* Ông nghĩ sao về vấn nạn đạo văn trong giới văn nghệ sĩ, trí thức hiện nay?
- Nhiều sự vụ gần đây cho thấy một sự rất tồi tệ trong đời sống văn học nghệ thuật và giới trí thức. Từ thầy đạo văn của trò, rồi tiến sĩ, giáo sư sử dụng nghiên cứu của đồng nghiệp, của sinh viên, học viên mình hướng dẫn... nhưng rồi tất cả đều trôi qua mà chẳng ai bị kết luận sai phạm và rồi rơi vào quên lãng. Điều này sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cái sai phạm, cái tệ hại.
Các cơ quan liên quan cần có chế tài nghiêm minh với những vụ việc này bởi vi phạm bản quyền là ăn cắp, và tôi cho rằng hành động ăn cắp đáng sợ nhất là ăn cắp tri thức. Một trí thức ăn cắp tri thức thì tệ hại hơn cả những tội ăn cắp vật chất, nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Trí thức là đại diện cho trí tuệ và đức hạnh của một quốc gia mà lại ăn cắp thì tồi tệ hơn tất cả và là mối nguy cơ cho quốc gia, cho dân tộc lớn hơn tất cả các loại ăn cắp khác.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Liên quan đến việc trao giải thưởng cho cuốn sách của Vũ Thị Trang, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn từng công bố trên một tờ báo nói chỉ mình anh trong hội đồng chấm giải không bỏ phiếu cho cuốn sách này là hoàn toàn sai, còn có những người khác không bỏ phiếu cho cuốn sách.
Nhưng phiếu bầu cho cuốn sách này là quá bán và đảm bảo đúng quy chế xét giải thưởng. Tôi thấy anh Nhơn cần có những thông tin chính xác và có tính xây dựng với công việc của một thành viên hội đồng hội nhà văn và quan trọng hơn là phải biết tôn trọng sự thật.
TTO - Cuốn sách chuyên khảo Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS Vũ Thị Trang (Viện Văn học) trong khi chờ phân xử về việc sách bị tố "đạo văn" thì tiếp tục được phát hiện lấy nhiều đoạn trong sách của PGS.TS Đỗ Lai Thúy.