Giảm được nhiều chi phí
Ngoài một số nhà máy ở TPHCM, Tổng công ty May Nhà Bè (NBC) đã mở thêm nhà máy sản xuất ở mười tỉnh thuộc khu vực miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các nhà máy của NBC ở TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các nhà máy đặt tại các tỉnh do phải áp dụng mô hình sản xuất “ba tại chỗ”, thiếu hụt lao động, các đối tác thêu, dệt, nhuộm, wash ngưng hoạt động.
Hiện tại, hoạt động sản xuất của NBC đã phục hồi 100% với lượng đơn hàng xuất khẩu đủ để làm đến hết quý III/2022. Tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn chưa tuyển đủ 20% lượng lao động cần thiết cho các nhà máy ở TPHCM để tăng tốc sản xuất. Trong khi đó, việc tuyển dụng lao động cho nhà máy ở các tỉnh dễ dàng hơn rất nhiều.
Chi phí lao động ở tỉnh hợp lý đang thu hút nhiều doanh nghiệ p mở nhà máy ở các tỉnh - Ảnh: Công ty May Nhà Bè cung cấp |
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - cho biết, ngoài nhà máy ở TPHCM với 4.500 công nhân, công ty đã mở thêm hai nhà máy ở tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Tây Ninh với khoảng 3.000 công nhân. Theo ông, các nhà máy ở tỉnh dễ thu hút nguồn lao động hơn và chi phí trả lương cho công nhân cũng thấp hơn khoảng 30% so với nhà máy ở TPHCM. Tuy nhiên, năng suất lao động trong các nhà máy ở tỉnh cũng thấp hơn 25 - 30% so với nhà máy ở TPHCM.
“Chi phí trả cho người lao động ở TPHCM ngày càng tăng cao, việc tuyển dụng cũng khó hơn, buộc công ty phải mở thêm nhà máy ở các tỉnh. Năng suất lao động còn thấp nhưng có thể cải thiện được thông qua đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho người lao động” - ông Trần Như Tùng chia sẻ.
Bà Huỳnh Kim Huyền - Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty TNHH San Hà (SanHaFoods) - cho rằng, ở TPHCM, doanh nghiệp (DN) phải trả mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng mới giữ chân được người lao động, trong khi mức lương được chấp nhận ở các tỉnh chỉ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng do chi phí nhà ở, ăn uống chỉ bằng phân nửa so với ở TPHCM.
Theo bà, việc tuyển lao động ở tỉnh dễ hơn ở TPHCM nhưng tuyển người từ tỉnh này sang tỉnh khác vẫn còn khó do sau đợt dịch COVID-19, người lao động có xu hướng tìm việc làm gần nhà, không muốn tốn chi phí di chuyển, thuê nhà trọ. Hiện SanHaFoods có bốn nhà máy, đặt tại tỉnh Đồng Nai và Long An, đang thiếu khoảng 30% lao động nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ. “Với công nhân ở các huyện lân cận, chúng tôi tổ chức xe đưa rước hằng ngày nên phát sinh khoản chi phí không nhỏ. Nhưng đây là cách duy nhất để có được nguồn lao động trong bối cảnh hiện nay” - bà Huỳnh Kim Huyền nói.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM - cho biết một số DN trong lĩnh vực này cũng có xu hướng mở nhà máy ở tỉnh để giảm chi phí lương. Chi phí sản xuất giữa nhà máy ở tỉnh và nhà máy ở TPHCM không khác nhau nhưng DN giảm được chi phí trả lương cho công nhân. Ngược lại, người lao động ở các tỉnh cần cù, chịu khó nhưng hơi chậm trong khâu nắm bắt kỹ thuật. Vì vậy, DN cần có thời gian mới tăng được năng suất lao động.
“So với người lao động ở TPHCM, người lao động ở tỉnh cũng thường xin nghỉ làm khi gia đình có đám tiệc, gây ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, sản lượng. Đây là điều khiến các DN khá đắn đo khi muốn mở nhà máy ở các tỉnh. Ngược lại, khi không có đơn hàng, các nhà máy đóng ở tỉnh có thể cho nhân công tạm nghỉ việc, trả 30 - 50% lương để giữ chân họ bởi khi tạm nghỉ, họ vẫn có ruộng, vườn để sống. Đây là một điều thuận tiện cho cả DN lẫn người lao động mà các nhà máy đóng ở TPHCM không thể có được” - ông Nguyễn Văn Khánh cho hay.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TPHCM - khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN công nghiệp ở TPHCM là giá đất. Do vậy, phần lớn DN công nghiệp mở rộng quy mô ở những địa phương khác, như Công ty Nhựa Duy Tân hiện chỉ còn 20% doanh số ở TPHCM, 80% doanh số là từ nhà máy ở tỉnh Bình Dương; doanh thu ở TPHCM của Công ty Cao su Vina chỉ bằng 1/4 doanh thu ở các tỉnh.
TPHCM cần có sự đột phá về đất công nghiệp
Theo đại diện NBC, ngoài chi phí thuê đất và xây dựng nhà máy, nguồn lao động, dịch vụ logistics cũng là những yếu tố thúc đẩy DN đưa nhà máy về tỉnh. Mỗi địa phương đều có cái hay riêng, nên dù mở thêm nhà máy ở tỉnh, các DN vẫn muốn đặt “đại bản doanh” ở TPHCM.
Bà Văn Thị Thủy Tiên - Giám đốc marketing Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Quy Phúc - cho hay, điều mà DN đắn đo khi chuyển nhà máy về tỉnh là tốn nhiều chi phí, thời gian (1 - 3 năm để xây dựng) nhưng không rõ lúc xây xong nhà máy, nguồn lao động ở địa phương đó có dồi dào hay không. Do đó, DN vẫn chọn cách nhanh nhất là tuyển người lao động ở các tỉnh về nhà máy ở TPHCM làm việc với các chính sách hỗ trợ tốt hơn trước. Với cách này, sau đợt dịch, 90% công nhân của Quy Phúc đã quay trở lại nhà máy.
Chi phí lao động ở tỉnh hợp lý đang thu hút nhiều doanh nghiệp mở nhà máy ở các tỉnh - Ảnh: Công ty May Nhà Bè cung cấp |
Để DN chọn đầu tư ở TPHCM, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, chính quyền thành phố phải có giải pháp tăng quỹ đất công nghiệp. Hiện nay, giá thuê đất công nghiệp ở TPHCM trên 200 USD/m2 nên các DN lớn muốn đầu tư đều phải tìm các địa phương khác.
Đại diện Công ty Kizuna - nhà đầu tư, phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) đồng bộ tại tỉnh Long An - cho rằng, DN không chỉ cần đất để xây dựng nhà xưởng hoặc nhà xưởng xây sẵn kèm dây chuyền sản xuất mà họ còn cần môi trường sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm để sản xuất an toàn, hiệu quả, thành công bền vững. Theo đó, phần cứng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN đồng bộ, công trình nhà xưởng hiện đại với không gian kiến trúc, quy mô diện tích phù hợp; phần mềm là các tài nguyên chia sẻ như hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng xử lý chất thải, phần mềm quản lý, giám sát, hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất lớn cho sản xuất…
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TPHCM (HBA) - cho biết, số DN đưa nhà máy về tỉnh khá nhiều và diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhất là khi quỹ đất ở TPHCM ngày càng hạn hẹp, chi phí lao động ngày càng tăng. Theo quy hoạch phát triển TPHCM đến năm 2020, toàn TPHCM sẽ có 23 KCN, khu chế xuất (KCX) với tổng diện tích 5.800ha. Tuy nhiên, hiện tại, toàn TPHCM chỉ có 17 KCN, KCX và một khu công nghệ cao với tổng diện tích 3.500ha, tức còn khoảng 2.300ha đất chưa được khai thác.
Trong các KCN, KCX hiện hữu, chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê, khai thác được, còn lại bị vướng về thủ tục đất đai, định giá cho thuê, chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng. KCN Hiệp Phước (H.Nhà Bè) có khoảng 200ha đất sạch (đã giải phóng mặt bằng) nhưng phải bỏ trống 5 năm qua do Nhà nước chưa xác định được giá thuê, DN bị chôn vốn hàng ngàn tỷ đồng. KCN Tây Bắc Củ Chi (H.Củ Chi) đang có 63ha đất sạch, hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng đến nay vẫn chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. KCN Lê Minh Xuân 3, KCN Tân Phú Trung… cũng còn nhiều thửa đất sạch nhưng không làm “sổ đỏ” được.
“Trong những năm 2010 - 2015, TPHCM đứng đầu trong các nhóm địa phương phát triển mạnh công nghiệp, có chỉ số thu hút đầu tư công nghiệp cao nhưng hiện nay, chỉ số này đang thua kém các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Chúng ta vẫn còn dư địa khai thác và đang vướng về pháp lý; phải gỡ được những vướng mắc này, mới mong thu hút được đầu tư” - ông Nguyễn Văn Bé nói.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.7979541a-hnit-ev-nahn-gnoc-oeht-yam-ahn-ihk/nv.moc.enilnounuhp.www