Theo thống kê, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.600 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận. Trong đó gần 1.200 người đã về nước.
Việc kiều bào trở về từ vùng chiến sự an toàn là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn đối với mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh đang lo lắng vì không biết cho con theo học tiếp ở Việt Nam như thế nào.
Cùng hai con gái 6 tuổi và 14 tuổi trở về Việt Nam trên chuyến bay VN58 từ Warsaw (Ba Lan), chị Đỗ Thị Hoài Thu (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, do cả gia đình đã sinh sống và làm việc tại Ukraine từ nhiều năm, rất ít khi về nước, cả hai con chị đều nói tiếng Việt hạn chế. Chị Thu không biết sẽ phải sắp xếp cho các con học tập ra sao.
“Khi về nước chỉ mang theo được giấy tờ, quần áo và một ít tiền mặt. Giờ các cháu về nước, chúng tôi rất băn khoăn” - chị Hoài Thu chia sẻ.
Anh Trần Tú (Kim Mã, Hà Nội) cũng có hai con vừa trở về nước, cho biết thời gian tới sẽ xin cho con vào các trường quốc tế, đồng thời sẽ bồi dưỡng thêm ngôn ngữ mẹ đẻ cho các cháu để có thể theo học lâu dài và ổn định tại Việt Nam.
Phụ huynh này cũng chia sẻ, điều khiến anh lo lắng nhất là sự khác biệt giữa chương trình học, văn hóa… của hai nước.
Công dân về nước hôm 8-3. Ảnh PHI HÙNG
“Gia đình tôi đã ở thành phố Odessa được 6 năm. Khi di chuyển sang Warsaw (Ba Lan), do quá gấp gáp cũng như chỉ nghĩ tình hình căng thẳng kéo dài không lâu, nên tôi chỉ kịp mang theo quần áo, giấy tờ quan trọng. Toàn bộ sách, vở của con tôi đều phải bỏ lại. Con tôi đang học lớp 1 chương trình của Ukraine.
Do gia đình tôi vẫn có ý định quay trở lại Odessa khi tình hình ổn hơn nên trước mắt, chúng tôi cho con học trực tuyến thông qua viber”- một phụ huynh khác chia sẻ.
Cũng theo người này, hàng ngày giáo viên của Ukraine sẽ ra các bài học vào nhóm chat. Bố mẹ tại Việt Nam sẽ tải về rồi hướng dẫn con thực hiện rồi gửi lại. Vì sợ con sẽ quên tiếng Ukraine trong thời gian về nước, phụ huynh này còn phải in sách giáo khoa và một số giáo trình để trực tiếp hỗ trợ thêm.
“Hầu hết bạn bè tôi có con về nước đợt này đều buộc phải thực hiện theo phương pháp… thủ công như vậy. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn vì tình hình bên Ukraine vẫn rất căng thẳng.
Kiều bào Việt Nam đang cho con em theo học chương trình giáo dục với ngôn ngữ là tiếng Ukraine. Mặc dù vậy đa số người dân họ nói tiếng Nga nên khi gửi con cho người trông trẻ thì thì trẻ em cũng biết nói tiếng Nga" – vị phụ huynh này chia sẻ thêm.
Bà Ngô Thị Hồng Hà - Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lômônôxốp (Hà Nội) thông tin, hiện có ba phụ huynh đến trường liên hệ xin cho con từ Ukraine về nước học tập. Trong đó, hai học sinh lớp 8 và một học sinh lớp 10.
Trường hợp học sinh lớp 10, do phụ huynh và con vẫn đang ở tại Ukraine nhưng gia đình tiến hành thủ tục xin trước, để chuẩn bị cho con trở về nước trong chuyến bay sớm nhất rồi mới nhập học.
“Hiện nay, chúng tôi đang dạy chương trình bằng ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Với nhóm học sinh bị ảnh hưởng bởi chiến sự, các em yếu ở khâu nào, nhà trường sẽ bố trí giáo viên hỗ trợ riêng để bổ sung dần” - bà Hà thông tin.
Theo bà Hà, việc đầu tiên cần làm là phải tạo môi trường hòa đồng do các em đang bị ảnh hưởng tâm lý vì sự thay đổi đột ngột về môi trường. Trước mắt, trường sẽ để các em vào lớp để học dự thính để có thời gian làm quen và học thêm các môn bên Ukraine không có.
Đồng thời, các em chờ đợi văn phòng nhà trường hỗ trợ các thủ tục, chứng nhận của Đại sứ quán, dịch học bạ, thông qua Phòng GD&ĐT đối với học sinh cấp trung học cơ sở và qua Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với học sinh cấp THPT.
Trao đổi với PLO, lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đơn vị đã rà soát và chưa ghi nhận trường hợp sinh viên Việt Nam ở Ukraine có nguyện vọng chuyển học từ nước này sang nước khác.
Phía Ukraine cũng tạo điều kiện qua hình thức học online để sinh viên có thể hoàn thành, kết thúc năm học sớm.
Đối với học sinh ở các bậc học dưới, trước đây Bộ đã có những thông tư hướng dẫn. Các nhà trường, cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào đó để có phương án tiếp nhận học sinh theo đúng quy định hiện hành.
Theo Thông tư 50/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi một số quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh tại các trường THCS, THPT. Theo đó, học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước xin học được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học. Tuổi của từng cấp học được quy định như sau: - Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm. - Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm. Thông tư còn quy định về điều kiện văn bằng đối với học sinh THCS như sau: - Học sinh vào học tại trường trung học cơ sở phải có học bạ hoặc giấy xác nhận kết quả học tập các lớp học trước đó, cùng với xác nhận của nhà trường về việc được chuyển lên lớp học trên. - Về hồ sơ tiếp nhận học sinh về nước và học sinh nước ngoài: Học sinh có thể cung cấp học bạ hoặc giấy xác nhận của nhà trường về kết quả học tập các lớp học trước đó (bản dịch sang tiếng Việt có chứng thực). |