Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021.
Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,32% so với đầu năm,, tương đương gần 35.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi dân cư tăng hơn 103.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 1/2022, tương đương tăng 1,95% lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng. Đây cũng là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nửa năm trở lại đây.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng, tương ứng giảm 1,21% xuống còn hơn 5,57 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm các doanh nghiệp rút tiền để thực hiện việc trả lương, thưởng cuối năm cho người lao động ngay trước dịp Tết Nguyên Đán.
Trước đây, chênh lệch giữa tiền gửi của nhóm khách hàng cá nhân vẫn thường nhiều hơn nhóm khách hàng doanh nghiệp hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn năm 2017-2018, chênh lệch lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chênh lệch này đã ghi nhận giảm. Năm 2019, chênh lệnh là 867.151 tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 16% so với năm liền trước.
Đến năm 2020, chênh lệch tiếp tục giảm hơn 60% xuống còn 263.891 tỷ đồng. Và đến năm 2021, số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng cá nhân đã ít hơn 344.855 tỷ đồng so với nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Như vậy, 2021 đã đánh dấu năm đầu tiên số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn nhóm khách hàng cá nhân.
Sang đến tháng đầu năm 2022, trước việc tiền gửi của người dân tăng mạnh trở lại, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể đến từ việc ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm. Nhiều ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng nhẹ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong cư dân.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Công ty Chứng khoán SSI duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.
Trong tuần 14/3-18/3, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hầu như đi ngang xuyên suốt tuần qua và kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,26% (tăng 0,1 điểm %) và kỳ hạn 1 tuần 2,44% (tăng 0,5 điểm %).
Bộ phận phân tích cho rằng nhiều khả năng mặt bằng lãi suất này đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 dưới áp lực của tín dụng hồi phục.
Trong năm 2022, tỉ lệ chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của dân cư và tổ chức kinh tế sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, mức tăng vào khoảng 0,2-0,25%.