Công an một số tỉnh/thành phố vừa đồng loạt đăng tải thông tin cảnh báo tới người dân về một thủ đoạn lừa đảo mới, thông qua việc giả mạo cấp tài khoản định danh điện tử.
Ảnh minh họa
Theo đó, chỉ một thời gian ngắn sau khi Bộ Công an triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử, các đối tượng lừa đảo nhanh chóng sử dụng các thủ đoạn “ăn theo”.
Bằng chiêu trò “cấp hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử”, các đối tượng tự xưng là công an, đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trên mạng do nhiều nguyên nhân) để yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiều điều.
Ví dụ, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào webstie giả mạo giao diện cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về số điện thoại... Sau đó, đối tượng dùng những thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, momo, zalopay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.
Công an cho biết, mỗi khi các ngành chức năng triển khai ứng dụng (app), tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh “số hóa” bằng giao dịch điện tử liền có ngay những kiểu “ăn theo”, giả danh cơ quan có thẩm quyền quản lý app để lừa người dân. Nhiều người đã “sập bẫy” do các đối tượng lừa đảo nói đúng tên tuổi, địa chỉ và số CCCD.
Cá biệt có trường hợp chúng nêu chính xác tên người thân trong gia đình, khiến nạn nhân ban đầu dù cảnh giác nhưng rồi vẫn phải tin theo. Thông tin cá nhân và mã OTP một khi cung cấp cho kẻ xấu, toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản có thể sẽ “bốc hơi” chỉ sau vài phút.
Công an khuyến cáo việc xác thực định danh điện tử chỉ thực hiện trực tiếp tại trụ sở và không yêu cầu công dân phải cung cấp thông tin gì qua điện thoại.
Muốn cấp số định danh điện tử, người dân cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an để tiến hành theo đúng quy trình. Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi “lạ” tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an mà cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP...