vĐồng tin tức tài chính 365

Người lao động chỉ được làm thêm không quá 60 giờ/tháng

2022-03-24 03:19

Chiều 23-3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động.

Chỉ đồng ý nâng số giờ làm thêm tối đa 60 giờ/tháng

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ; số giờ làm thêm trong một năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Còn theo quy định hiện hành, số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ; số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ. Một số ngành nghề như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ hải sản… được làm thêm từ trên 200 giờ đến không quá 300 giờ/năm.

Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Thường trực Ủy ban này đồng tình việc tăng số giờ làm thêm tối đa trong năm lên 300 giờ song đề nghị loại trừ những đối tượng lao động đặc biệt như người lao động chưa thành niên từ 15 đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm....

Người lao động chỉ được làm thêm không quá 60 giờ/tháng - ảnh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, bà Thúy Anh cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội không đồng tình với mức 72 giờ/tháng theo đề xuất của Chính phủ. Cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ nên nâng lên mức tối đa 60 giờ/tháng.

Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn. Trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị thực hiện theo đề xuất của Chính phủ.

Cũng theo bà Thúy Anh, do còn ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này. Kết quả 13/18 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 60 giờ/tháng.

Cân nhắc kỹ lưỡng, hài hòa lợi ích giữa các bên

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ tha thiết đề nghị phương án 72 giờ, bởi đây là đòi hỏi khách quan của doanh nghiệp và của chính người lao động.

Người lao động chỉ được làm thêm không quá 60 giờ/tháng - ảnh 2
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: quochoi.vn

Cũng theo ông Dung, hiện phần lớn các nước trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch đều điều chỉnh giờ làm thêm, như Singapore đã tăng lên 72 giờ, Maylaysia là 104 giờ, Thái Lan là 144 giờ. Một số nước không hạn chế số giờ làm thêm, như Mông Cổ và Philippines.

"Một lần nữa, tôi xin nói đây là giải pháp tạm thời, dù không muốn nhưng đây là nhu cầu cấp thiết. Các khảo sát cho thấy phần lớn người lao động và doanh nghiệp đều đồng tình theo đề xuất của Chính phủ"- ông Dung nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng cho hay do sức ép đơn hàng, hầu hết doanh nghiệp đều trực tiếp thoả thuận với người lao động nhưng là thoả  thuận “ngầm”, nên đôi khi quyền lợi người lao động không được đảm bảo.

Trao đổi lại, bà Thúy Anh cho rằng Singapore không tăng giờ làm mà từ năm 2019 đã quy định như vậy. Cạnh đó, từ khi có Bộ luật Lao động năm 2012, chúng ta chỉ quy định số giờ làm thêm tối đa trong tháng là 30 giờ, lần này với mức 60 giờ là đã tăng gấp đôi, trong khi xu hướng hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay bản thân ông chưa nhận được bất cứ đề xuất nào của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề về việc tăng giờ làm để giải quyết các đơn hàng. Đánh giá đây là quyết sách lớn có tác động nhiều mặt, ông Huệ đề nghị các thành viên Thường vụ Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng trên quan điểm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Người lao động chỉ được làm thêm không quá 60 giờ/tháng - ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Cuối phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt nhất trí thông qua Nghị quyết với quy định người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, quy định này được loại trừ với các trường hợp: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng.

Nghị quyết vừa được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2022, riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Xem thêm: lmth.5410501-gnaht-oig-06-auq-gnohk-meht-mal-coud-ihc-gnod-oal-iougn/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người lao động chỉ được làm thêm không quá 60 giờ/tháng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools