Ngày 23/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chính thức tuyên bố Chính phủ Mỹ cho rằng Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine và phải bị truy tố.
Trong một bản thông cáo, ông Blinken liên tục nêu lên sự tàn bạo tại thành phố Mariupol và so sánh với những chiến dịch quân sự của Nga ở Grozny trong chiến tranh Chechen lần thứ hai hay ở Aleppo trong nội chiến Syria.
Ngoại trưởng Mỹ nói: “Lực lượng Nga đã phá hủy các tòa nhà chung cư, trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng quan trọng, xe dân dụng, trung tâm mua sắm và xe cứu thương, khiến hàng nghìn thường dân vô tội thiệt mạng hoặc bị thương”.
Ông Blinken cho biết, nhiều tòa nhà mà lực lượng Nga đã tấn công được “xác định rõ là dân thường đang sử dụng”. Ngoại trưởng Mỹ chỉ ra những vụ ném bom bệnh viện phụ sản Mariupol và một nhà hát được đánh dấu rõ ràng “bằng những chữ cái lớn có thể nhìn thấy được từ bầu trời" là nơi dành cho trẻ em trú ngụ.
Cảnh hoang tàn ở thành phố Mariupol trong vòng vây của quân đội Nga, ngày 23/3/2022. (Video: Sky News).
Ông Blinken đưa ra tuyên bố này trong khi Tổng thống Joe Biden đang trên đường đến Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO và G-7 trong tuần này. Ngoại trưởng cho biết đánh giá của Mỹ dựa trên thông tin công khai và các nguồn tin tình báo.
Ngoại trưởng Blinken lưu ý rằng phán quyết cuối cùng về việc Nga có phạm tội ác chiến tranh không sẽ được giao cho tòa án. Ông không đề cập đến tên của tòa án cụ thể, nhưng nơi có thẩm quyền trong việc xét xử các cáo buộc về tội ác chiến tranh là Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Mỹ không phải là thành viên của ICC. Tòa án Hình sự quốc tế được thành lập vào năm 2002 để truy tố tội ác chiến tranh quốc tế, tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Vào thời điểm ICC thành lập, Mỹ đang lún sâu cuộc chiến tại Afghanistan và chuẩn bị tấn công Iraq.
Quyết định chính thức của Washington không phải là ngẫu nhiên. Nhà Trắng đã dành nhiều tuần để chuẩn bị một danh sách dài bao gồm các hành động, lập trường và cam kết cụ thể của Mỹ để Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Brussels nhằm thể hiện lòng trung thành kiên định của với NATO và sứ mệnh viện trợ Ukraine.
Vào hôm 16/3, khi được phóng viên hỏi về việc liệu ông Putin có phải là “tội phạm chiến tranh” hay không, Tổng thống Joe Biden đã nói: “Tôi nghĩ ông Putin là tội phạm chiến tranh”.
Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden chỉ đang "nói từ trái tim mình", còn việc xác định chính thức ai là tội phạm chiến tranh cần phải trải qua nhiều quy trình.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/3 tuyên bố rằng cáo buộc "tội phạm chiến tranh" mà phía Mỹ đưa ra đe dọa dẫn tới sự đoạn tuyệt quan hệ giữa hai nước.
Nga bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine vào ngày 24/2 với mục tiêu "xóa bỏ chủ nghĩa quân sự và chủ nghĩa phát xít" ở Ukraine.
Tuyên bố của Điện Kremlin đặc biệt gây hoài nghi khi Ukraine được lãnh đạo bởi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, người tự nhận mình là hậu duệ của những người sống sót sau thảm họa Holocaust - vụ diệt chủng 6 triệu người Do Thái do Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến thứ II.
Xem thêm: mth.66183027042302202-eniarku-o-hnart-neihc-ca-iot-ar-yag-agn-coub-oac-cuht-hnihc-ym/nv.zibmanteiv