Ngay cả khi dịch bệnh xuất hiện, tác động mạnh đến nền kinh tế, sốt đất xảy ra. Và ngay cả khi, thị trường bất động sản đã trải qua gần 10 năm tăng trưởng tính từ thời điểm phục hồi 2014, sau giai đoạn 2011-2013, sốt đất cũng vẫn âm thầm xảy ra. Điều gì khiến cho cơn sốt đất không biến mất mà còn tiếp tục bùng nổ ở nhiều địa phương, bất chấp dịch bệnh?
Trong một tọa đàm mới đây, ông Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở của Công ty CBRE Việt Nam đã dẫn báo cáo của CBRE. Cụ thể, kể từ quý 1/2021 đến nay, tình trạng tăng giá đất đã lan rộng hơn rất nhiều.
Giai đoạn 2018-2019, khu vực "sốt" chỉ tập trung vào các vùng giáp ranh đô thị trung tâm hoặc bám sát các dự án quy mô lớn.
Từ dịp cuối năm 2021 đến nay, giá đất đã tăng trên bình diện rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đơn cử như khu vực cận các thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai và tiến xa ra Bình Phước, Tây Ninh, Phan Thiết.
Tại khu vực miền trung Tây nguyên có Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đắk Lắk; miền Bắc tương tự có Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên...
Chỉ ra nguyên nhân về sốt đất, ông Kiệt cho rằng, có nhiều yếu tố. Theo ông Kiệt, 2 năm trở lại đây, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 nhưng tốc độ phát triển kinh tế vẫn ổn định. Nhiều kế hoạch đầu tư công được công bố kèm theo thông tin điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch chung, hạ tầng... Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư đã chủ động nắm bắt và đón đầu xu hướng này. Dòng vốn từ các nhà đầu tư đổ vào thị trường khiến giá đất "nhảy múa" và tăng cao.
(Ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro thừa nhận, sốt đất đã xảy ra trong năm 2021 và đến năm 2022, kịch bản này cũng có khả năng tiếp tục xuất hiện. Ông Thành chỉ rõ nguyên nhân tác động trực tiếp đến giá bất động sản tăng, là do nguồn cung khan hiếm. Chính sự khan hiếm về nguồn cung kéo dài đã đẩy giá bất động sản tăng. Cùng với đó, nhu cầu của nhà đầu tư với bất động sản luôn lớn. Lực cầu tăng nhưng cung khan hiếm dẫn tới sốt đất.
Ngoài ra, theo ông Thành, dù biết giá đã lên cao nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận rủi ro bước vào thị trường để tìm kiếm lợi nhuận. Các nhân tố như việc cải thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, gói kích cầu nền kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công góp phần tác động đến sự gia tăng giá trị của bất động sản.
Còn PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh: "Sốt đất vẫn có thể xảy ra, và thực tế là đang xảy ra cục bộ ở nhiều địa phương từ sau Tết, tuy nhiên sẽ không đến mức náo động như năm 2021".
Ông Thịnh nhìn nhận, thị trường có thể đi xuống, đi lên theo từng giai đoạn nhất định nhưng nhìn chung sẽ phát triển ổn định hơn. Các cơn sóng sẽ nhẹ nhàng hơn và chỉ nổi lên ở những địa phương thực sự có tiềm năng và đang được các nhà phát triển bất động sản lớn đánh thức.
Vị chuyên này phân tích thêm, sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế, đầu tư công… rõ ràng, nguồn cung các sản phẩm bất động sản sẽ tăng lên. Ông Thịnh đưa ra các khuyến nghị nhằm bình ổn thị trường bất động sản. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư nên có sự chuẩn bị để có nguồn cung chất lượng đưa ra thị trường. Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về mặt thủ tục đầu tư, xây dựng để tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Bên cạnh đó, các quy hoạch tại từng khu vực, địa phương nên được công khai minh bạch để giảm thiểu tình trạng đầu cơ, thổi giá.
Ngoài ra, cơ sở thông tin dữ liệu về thị trường bất động sản cần được công khai để các đối tượng tham gia vào thị trường có thể nắm rõ, thị trường sẽ luôn được ở trong giá trị thực, không còn tình trạng làm giá, thổi giá gây xáo trộn.
https://cafef.vn/vi-sao-sot-dat-van-bat-tu-20220323081145601.chnTheo Triệu Vương
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.83672359032302202-ut-tab-nav-tad-tos-oas-iv/nv.zibefac