Ngày 23-3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã không thông qua một dự thảo nghị quyết kêu gọi cứu trợ và bảo vệ dân thường ở Ukraine do phía Nga soạn thảo và trình lên, theo hãng tin Reuters.
Dự thảo nghị quyết chỉ được thông qua tại HĐBA khi có ít nhất 9 phiếu thuận từ các thành viên không thường trực và không có bất kỳ phiếu phủ quyết nào của 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ.
Dự thảo nghị quyết do Nga soạn và trình chỉ nhận được 2 phiếu ủng hộ của Nga và Trung Quốc. 13 nước còn lại bỏ phiếu trắng.
Người dân Mariupol (Ukraine) nhận hàng viện trợ nhân đạo do binh sĩ Nga phát, ngày 23-3. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, sở dĩ dự thảo nghị quyết không được thông qua vì không đề cập đến vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Nếu Nga quan tâm đến tình hình nhân đạo, họ sẽ ngừng ném bom vào trẻ em và chấm dứt chiến thuật bao vây. Nhưng họ đã không làm vậy" – Reuters dẫn lời Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward phát biểu trước HĐBA sau cuộc bỏ phiếu.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield thì nói rằng “một mình Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine”.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc rằng các nước bỏ phiếu trắng "vì lý do chính trị".
Giải thích về lá phiếu đồng ý của Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho biết Bắc Kinh có "kỳ vọng mạnh mẽ" rằng nên có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, nhưng trong khi thúc đẩy ngừng chiến, HĐBA cũng nên "ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo theo hướng tích cực, thực dụng, và xây dựng”.
Tháng trước, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của HĐBA về một dự thảo nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và yêu cầu Nga chấm dứt ngay lập tức. Nga bỏ phiếu chống.
Một tuần trước, Nga đã không đồng ý mở phiên bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết về viện trợ cho Ukraine, sau khi cáo buộc các nước phương Tây có chiến dịch "gây áp lực chưa từng có". Theo Reuters, trong dự thảo nghị quyết này – do Pháp và Mexico đề xuất – chỉ trích Nga có vai trò trong việc tạo ra khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine.
Thay vào đó, Ukraine và các đồng minh đang có kế hoạch đưa một dự thảo nghị quyết tương tự vào cuộc bỏ phiếu trong tuần này tại Đại Hội đồng LHQ gồm 193 thành viên, nơi không có quốc gia nào phủ quyết. Nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ không có giá trị ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị.
Theo thông tin từ Reuters, Nam Phi đã trình lên Đại Hội đồng LHQ một dự thảo nghị quyết về cùng một vấn đề nhân đạo ở Ukraine, nhưng không đề cập đến Nga.
Dự thảo do Ukraine dẫn đầu hiện có 88 nhà đồng bảo trợ và dự thảo của Nam Phi có khoảng 6 nhà đồng bảo trợ trong đó có Trung Quốc, theo các nguồn tin ngoại giao của Reuters.
Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya kêu gọi trước Đại Hội đồng LHQ bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết nước này đề xuất. Trong khi đó, ngày 23-3, Đại sứ Nga tại LHQ – ông Nebenzia cáo buộc rằng Ukraine và các đồng minh thực hiện "một cuộc biểu diễn chính trị chống Nga" tại Đại Hội đồng LHQ, đồng thời thúc giục các nước bỏ phiếu cho dự thảo của Nam Phi.