Ngày 24-3, Trung tâm cấp cứu 115 – Bệnh viện (BV) Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết mới cấp cứu bé gái (5 tuổi, ngụ Tuyên Quang) bị ngừng tuần hoàn ngoại viện nghi hóc dị vật đường thở do ăn đậu phộng (lạc).
Theo gia đình, bé gái sau khi ăn đậu phộng bỗng tím tái, khó thở, gia đình sơ cứu không hiệu quả nên ngay bé đến Trung tâm cấp cứu 115 - BV Đa khoa Hùng Vương.
Trung tâm cấp cứu tiếp nhận bé trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn. Ảnh: HV
Trung tâm cấp cứu tiếp nhận bé trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn. Thời gian từ lúc bé bắt đầu có dấu hiệu khó thở tới khi tiếp cận các bác sĩ khoảng 15 - 20 phút.
Trạng thái cấp cứu tối khẩn cấp được kích hoạt, ekip hàng chục nhân viên y tế tập trung hỗ trợ ép tim, đặt ống nội khí quản, vận mạch... cho bé. Sau 3 phút chạy đua với thời gian thì dấu hiệu mạch và huyết áp trở lại. Khi các chỉ số sinh tồn của bé ổn định, theo nguyện vọng của gia đình, 1 ekip gồm 1 bác sĩ cấp cứu và 1 điều dưỡng đã đưa bé lên xe cứu thương chuyển về BV Nhi Trung ương (Hà Nội) ngay trong đêm.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), hóc dị vật có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi dị vật lọt vào đường thở, cần được xử trí cấp cứu ngay vì khi trẻ bị ngừng tuần hoàn, oxy không còn lên não có thể khiến trẻ tử vong nhanh chóng.
"Hóc, sặc phải được xử trí nhanh. Nếu thấy mặt trẻ tím tái mà không tiến hành sơ cứu ngay mà vội bế trẻ đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong rất lớn - BS Dũng nói.
Hướng dẫn sơ cứu trẻ hóc dị vật Bước 1: Kiểm tra xem bé còn thở không - Nếu bé trở nên tím tái, cần nhanh chóng kiểm tra ngực xem chuyển động lên xuống và lắng nghe nhịp thở. - Nếu nghĩ bé hóc thứ gì đó, người lớn cố gắng loại bỏ dị vật với ngón tay làm thành một cái móc. Chỉ làm điều này nếu người lớn có thể nhìn thấy dị vật trong họng bé, nếu không nhìn thấy tuyệt đối không cho tay vào vì khi đó có thể đẩy vật cản vào sâu trong cổ họng. - Cha mẹ cũng có thể dùng tay kiểm tra mạch đập của bé. - Nếu bé bất tỉnh, loại bỏ bất cứ thứ gì có thể thấy ở miệng bé và bắt đầu thực hiện thủ thuật cấp cứu cho đến khi xe cứu thương đến. Bước 2: Gọi xe cấp cứu Bước 3: Vỗ lưng - Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay. Nếu bé quá nặng, có thể đặt bé nằm xuống đùi của mình. - Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của bé). - Kiểm tra miệng bé xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực. Bước 4: Ấn ngực - Đặt bé nằm trên đùi người lớn với đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa nên để ngay giữa ngực. - Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc. Bước 5: Kiểm tra lại miệng bé và loại bỏ dị vật Xem bé đã thở lại chưa, nếu chưa, tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cấp cứu tới. |