Học sinh trong buổi học giáo dục giới tính do nhóm "Lớn lên an toàn" tổ chức - Ảnh: QUỲNH CHI
Trong gia đình, bản thân em được cha mẹ dạy rất nhiều điều để phòng ngừa xâm hại. Chẳng hạn như biết phân biệt được đâu là những giới hạn trong mối quan hệ giữa bạn bè; không cho người khác giới chạm vào cơ thể tại những bộ phận nhạy cảm như gò má, môi, ngực... Nếu người nào cố tình thì hãy lên tiếng phản kháng.
Ngoài ra, khi có vấn đề gì phức tạp liên quan đến tâm lý, tình cảm khác giữa bạn bè với nhau thì nên tâm sự với cha mẹ để được tư vấn, hỗ trợ. Khi tham gia hoạt động tập thể phải thông báo thời gian, địa điểm cũng như tên họ những người cùng nhóm với mình cho cha mẹ được biết. Không đi chơi khuya với bạn để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, cũng như biết cách tự vệ riêng cho mình khi gặp những tình huống xâm hại...
Bản thân em cũng đề nghị nhà trường và các tổ chức bảo vệ trẻ em có những buổi giáo dục giới tính hay tư vấn để giúp học sinh hiểu về tâm sinh lý và tự bảo vệ mình. Các bậc cha mẹ nên quan tâm và trò chuyện cùng con mình để giải thích những vấn đề phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, các biện pháp phòng tránh xâm hại tình dục.
Pháp luật phải có những biện pháp trừng trị đích đáng những kẻ có hành vi xấu xa với trẻ em. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền những biện pháp chống xâm hại tình dục bằng nhiều hình thức đến với công chúng để chung tay vì sự an toàn của trẻ.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, chỉ riêng năm 2020, số trẻ em bị xâm hại tình dục ở nước ta đã lên đến 1576 trường hợp, trong số đó nhiều trường hợp bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình hoặc người quen biết với các em.