Theo Báo cáo thường niên năm 2021 và định hướng năm 2022, Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) đã đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá lạc quan, với mục tiêu doanh thu đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 7.618 tỷ đồng. So với năm 2021, các chỉ tiêu này lần lượt tăng 19% và 20,2%.
Nhìn lại 2021, với tổng doanh thu 35.657 tỷ đồng (tăng 19,5% so với năm 2020) và lợi nhuận trước thuế 6.337 tỷ đồng (tăng 20,4%). Không thể phủ nhận, tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung, song, đây cũng là cơ hội tăng trưởng, đem đến những con số ấn tượng hay cú “lội ngược dòng" cho các Tập đoàn công nghệ như FPT.
Nhận định về điều này, HĐQT của Tập đoàn cho rằng, trong hai năm kể từ khi đại dịch xuất hiện, mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều nhận ra và trải nghiệm sức mạnh của công nghệ. Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hành và quản trị đều cần ứng dụng công nghệ để đảm bảo hiệu quả, tính liên tục và bền vững.
Đây là lý do các khoản đầu tư cho công nghệ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định không chỉ trong năm 2022 mà còn kéo dài trong thập kỷ tới.
Do vậy, nhằm đảm bảo đà tăng trưởng lâu dài, trong năm tới, FPT sẽ tập trung triển khai đầu tư xây dựng mới với ba khối nội dung chủ chốt.
Thứ nhất, đầu tư 1200 tỷ đồng cho khối Công nghệ. Tiếp tục mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM… cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Nhận thấy những thành công bước đầu trong việc phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ giúp doanh nghiệp và chính phủ chuyển đổi số, FPT tiếp tục phát triển các gói giải pháp tiên tiến ứng dụng các công nghệ mới như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)... và mở rộng kênh bán hàng trong và ngoài nước để đẩy mạnh tăng trưởng trong các năm tới.
Thứ hai, chi khoảng 2000 tỷ đồng ở khối Viễn thông. Đầu tư bổ sung một tuyến trục để đảm bảo hệ thống tuyến trục nội địa, tiếp tục nâng cấp chất lượng hạ tầng mạng nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.
Dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch nhanh chóng các hoạt động hàng ngày lên không gian mạng. Do vậy, nhu cầu đối với hạ tầng công nghệ và năng lực xử lý dữ liệu tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy các đơn vị viễn thông như FPT mở rộng đầu tư và ứng dụng công nghệ, để đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, việc dành nhiều thời gian làm việc, giải trí, nghiên cứu thông tin qua Internet tạo ra cơ hội cho các đơn vị có năng lực phát triển nội dung số như FPT. Trong tương lai gần, với sự phát triển của các công nghệ mới như thực tế ảo, thực tế tăng cường, FPT mong muốn sẽ tích hợp các trải nghiệm nội dung số, công nghệ mới vào các sự kiện của tương lai.
Thứ ba, lĩnh vực Giáo dục với khoản đầu tư lên tới 800 tỷ đồng. Đầu tư mở rộng các khuôn viên tại khu vực Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định; đưa vào hoạt động hai điểm trường phổ thông mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng; tiếp tục hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án trường liên cấp tại Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Nam....
Với dân số 100 triệu dân, trong đó gần 20 triệu người đang trong độ tuổi đi học phổ thông (06 – 17 tuổi) và 10 triệu trẻ dưới sáu tuổi, Việt Nam là một thị trường giáo dục quy mô lớn, ước tính đạt 10 tỷ USD (Euromonitor). Cùng lúc đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh chóng, tạo nên nhu cầu lớn đối với các đơn vị giáo dục tư nhân chất lượng cao.
Chính vì vậy, giáo dục dự kiến tăng trưởng tốt trong các năm tới, số lượng trường công lập có xu hướng giảm trong khi số lượng trường ngoài công lập lại tăng mạnh trong những năm vừa rồi.
Nhận thấy xu thế chuyển dịch sang giáo dục tư nhân chất lượng cao, FPT sẽ triển khai mở rộng cả theo chiều dọc (bổ sung các chương trình dạy học mới cho các phân khúc học sinh khác nhau) và chiều ngang (mở rộng và xây mới các cơ sở mới tại các tỉnh thành khác nhau), quyết tâm trở thành hệ thống giáo dục mega quy mô lớn tại Việt Nam.