Ngày 23/3, Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà (HNX: THS) có phiên giao dịch tăng trần, tăng 4.100 đồng/cổ phiếu (tương đương 9,79%), đạt thị giá đóng cửa kết phiên là 46.000 đồng. Phiên "tím" hôm thứ Tư tiếp tục kéo dài chuỗi "tím" dài kỷ lục của THS từ 12 phiên liên tục lên 13 phiên. Đến 10h10 ngày 24/3, Thanh Hoa - Sông Đà tiếp tục tăng trần trên bảng điện. Thị giá tại thời điểm quan sát là 50.600 đồng/cổ phiếu, bật tăng 10% so với kết phiên 23/3.
Điều đáng nói là trước đó, gần như trong cả tháng 2, THS không có bất kỳ giao dịch nào, trắng cả bên mua lẫn bên bán. Giá đứng xung quanh mốc 13-13.500 đồng. Như vậy, sau loạt phiên xanh, tím liên tục, mã chứng khoán của Thanh Hoa - Sông Đà đã tăng gấp gần 4 lần, con số đáng kinh ngạc chỉ sau chưa đầy một tháng.
Dữ liệu lịch sử các phiên từ ngày 24/2-23/3 của THS. Ảnh chụp màn hình: CafeF.
Hơn nữa, dù tăng trần như vậy nhưng thực chất khối lượng cổ phiếu được giao dịch qua mỗi phiên của mã này rất ít. Điển hình, các phiên từ ngày 4-13/3 chỉ có từ 100-300 cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày. Đa số là 100. Đến ngày 21/3 thì khối lượng giao dịch tăng mạnh 11.300 cổ phiếu.
Cơ cấu cổ đông của công ty khá đậm đặc. Với quy mô vốn điều lệ 30 tỷ đồng, các thành viên hội đồng quản trị đã nắm 43,3% vốn điều lệ, gồm các nhân vật chủ chốt là ông Trương Vạn Thành, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Hải; giữ các chức vụ chủ tịch và ủy viên hội đồng quản trị.
Lãnh đạo Thanh Hoa - Sông Đà bán ra, mua vào rất lớn
Sau khi giá tăng mạnh, hai nhân vật quan trọng của Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà đã đăng ký bán ra. Ông Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng quản trị, đăng ký bán 225.000 cổ phiếu, dự kiến bắt đầu giao dịch từ 21/3. Ngày dự kiến kết thúc giao dịch là 19/4. Trước khi đăng ký bán, ông Hải giữ 8,33% lượng cổ phiếu, tương đương 225.000.
Cùng đó, ông Đỗ Văn Thái, Trưởng Ban kiểm soát, đăng ký bán 131.030 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch của ông Thái là 131.030 cổ phiếu, tỷ lệ 4.85%. Đồng nghĩa, sau khi giao dịch, ông này không còn bất kỳ cổ phiếu nào của THS.
Trong thời gian trên, ông Trương Vạn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng vợ và con gái đều đăng ký thoái sạch vốn khỏi THS.
Các cá nhân đồng ý chuyển nhượng cổ phần cho ông Lê Anh Tuấn. Ảnh chụp màn hình: Nghị quyết ĐHĐ cổ đông THS 2022.
Ông Lê Anh Tuấn - Ủy viên Hội đồng quản trị - có diễn biến ngược lại, đăng ký mua vào gần 1,5 triệu cổ phiếu. Hiện ông Tuấn đang sở hữu 657.950, chiếm 24,37% vốn. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ nâng sở hữu lên 78,98%, tương đương hơn 2,1 triệu cổ phiếu. Khả năng cao là ông Lê Anh Tuấn sẽ mua lại số cổ phần mà các cổ đông nội bộ muốn bán ra.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021, THS đạt 278 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với năm trước. Biên lãi gộp ở mức 7% nhưng lợi nhuận ròng tăng 33%, lên 4 tỷ đồng. So với kế hoạch 275 tỷ đồng doanh thu và gần 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, Thanh Hoa - Sông Đà hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và vượt 48% mục tiêu lợi nhuận. Chi trả cổ tức tỷ lệ 10%.
Năm 2022, THS đặt mục tiêu doanh thu 285 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng, ngang so với thực hiện năm 2021.
Số cổ phần dự kiến ông Lê Anh Tuấn sở hữu sau khi được đại hội đồng cổ đông thông qua. Ảnh chụp màn hình: Nghị quyết ĐHĐ cổ đông THS 2022.
Trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông THS diễn ra ngày 10/3 cho biết cổ đông dự đại hội ngày 10/3 đã thông qua việc chấp thuận cho cổ đông là ông Lê Anh Tuấn nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của các cổ đông khác dẫn đến đạt các mức theo quy định pháp luật chứng khoán mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Nghị quyết cũng đề cập 54,6% cổ phiếu của bên chuyển nhượng và liên quan được ông Tuấn tiếp nhận. Sau nghị quyết, ông Tuấn có tổng cộng 78,97% cổ phần từ bản thân và nhận chuyển nhượng, tương đương hơn 2,1 triệu cổ phiếu.
Ngân sách cho tổng thù lao của hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ là hơn 825 triệu/năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận 402,9 triệu đồng/năm (tương đương hơn 33 triệu đồng/tháng). Ban kiểm soát nhận gần 170 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động là 8,3 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà, tiền thân là Công ty công nghệ phẩm Thanh Hóa, được cổ phần hóa theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. THS đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (xây dựng công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật). Trụ sở chính đặt tại Số 25 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.