Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán. Theo đó, doanh thu thuần trong năm 2021 của Lộc Trời đạt 10.224 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Trong cơ cấu doanh thu của Lộc Trời thuốc bảo vệ thực vật đem lại nguồn thu hơn 5.120 tỷ đồng và lương thực đạt hơn 4.076 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu trong năm tăng cao nhưng do giá vốn hàng bán lại tăng 41%, chiếm gần 81% doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp năm 2021 của tập đoàn này chỉ tăng 14% so với cùng kỳ 2020.
Năm 2021, LTG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính công ty đã hoàn thành 105,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo Lộc Trời, ngành lương thực đang là điểm sáng của công ty. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, năm 2021 là một năm đầy thách thức. Tuy nhiên, thị trường nội địa mang về gần 8.800 tỷ đồng doanh thu cho Lộc Trời trong năm vừa qua, tăng xấp xỉ 28% so với năm 2020. Khu vực châu Á (không bao gồm Việt Nam) mang về hơn 932 tỷ đồng doanh thu, tăng 95%.
Trong năm, tập đoàn đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn.
Tháng 2/2022, Công ty cổ phần nông sản Lộc Trời đã giao thành công đơn hàng xuất khẩu hơn 4.500 tấn gạo, trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng), gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp cho các đối tác đã làm ăn lâu dài với Tập đoàn Lộc Trời như Italy, Pháp, Canada, Singapore, Philippines...
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Lộc Trời tăng 13% so với hồi đầu năm và nợ phải trả tăng gần 18%. Tại thời điểm 31/12/2021, Lộc Trời có hơn 1.230 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, Tập đoàn còn ghi nhận khoản đầu tư là 1.050 trái phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển TP.HCM (HD Bank) với giá trị ghi sổ 105 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, trong năm 2021, cổ phiếu LTG cũng là một mã có mức tăng khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2021, LTG dừng ở mức 35.700 đồng/cổ phiếu, tăng 7.900 đồng, tương đương 28,4% so với năm 2020.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này cũng tăng khá mạnh. Tại phiên giao dịch ngày 23/3, Lộc Trời đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp, và là phiên tăng thứ 27 của mã này tính từ đầu năm. Hiện, LTG được giao dịch tại mốc 41.600 đồng/cổ phiếu, tăng 16,5% trong vòng gần 3 tháng.
Dự kiến vào ngày 14/4/2022 tới đây, Lộc Trời sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng 48,6% so với cùng kỳ 2021, thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%), mặc dù giá trung bình đạt 481,5 USD/tấn (giảm 12%).
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An, rủi ro lớn nhất cho ngành xuất khẩu gạo năm 2022 được cho là là tình trạng thiếu container rỗng và phí vận tải tăng cao, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp.