Mới đây, tập đoàn đa ngành Thái Lan Indorama Ventures thông qua công ty con tại Hà Lan Indorama Netherlands B.V đã chào mua 100% vốn của Nhựa Ngọc Nghĩa từ VinaCapital và lãnh đạo công ty. Thương vụ đánh dấu bước tiến của ông lớn ngành nhựa Thái Lan trong kế hoạch đánh chiếm thị trường châu Á - Thái Bình.
Về công ty cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (NNG), doanh nghiệp được thành lập từ 1993 và thuộc quyền quản lý và điều hành của gia đình La Văn Hoàng. Ngọc Nghĩa là đối tác lâu đời với các tên tuổi lớn như Unilever, Coca-cola, Pepsi, Vinamilk, cung cấp chai nhựa PET dùng làm bao bì trong công nghiệp thực phẩm, nước giải khát, gia dụng, y tế và hóa chất.
Sau nỗ lực “lấn sân” sang mảng thực phẩm trong giai đoạn 2008 - 2017 thất bại, từ 2018, Ngọc Nghĩa tập trung lại thế mạnh cốt lõi là nhựa PET với sự đồng hành của VinaCapital vào cuối 2019. Tuy đã cải thiện tích cực, doanh nghiệp vẫn gặp phải nút thắt tăng trưởng, quy mô doanh thu không bứt phá được cao hơn giai đoạn 2011 - 2014. Quyết định thoái vốn của gia đình La Văn Hoàng cho đối tác Thái Lan được kỳ vọng sẽ giúp công ty tìm được hướng đi đúng đắn dưới sự dẫn dắt của một doanh nghiệp lớn.
Ngọc Nghĩa chỉ là chương mới nhất của một câu chuyện lặp lại định kỳ 10 năm nay trong các lĩnh vực thiết yếu: Doanh nghiệp Việt phát triển mạnh đến một ngưỡng và gặp phải vào nút thắt tăng trưởng, các đại gia Thái nhảy vào mua lại, tận dụng tiềm lực sẵn có của doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường.
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 và Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào 1992, dòng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam đã liên tục tăng qua các năm, mỗi năm tăng bình quân 13%. Tính đến hết năm 2021, với tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD, Thái Lan đứng thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Không những vậy, bằng chiến lược đầu tư tập trung, Thái Lan đã để lại những dấu ấn rõ rệt tại thị trường Việt qua các màn sáp nhập các doanh nghiệp nội địa đầu ngành: từ F&B, bán lẻ, năng lượng, đến đóng gói bao bì.
Đầu tiên phải kể đến thị trường bán lẻ, với hai đại diện nổi bật từ Thái Lan là Central Group và TCC Group, chủ nhân của những chuỗi siêu thị quy mô nhất thị trường, Big C và Metro.
Central Group, tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình Chirathivat, gia tộc giàu thứ tư tại Thái Lan với khối tài sản 11,6 tỷ USD. Vào Việt Nam từ 2014, Central Group bắt đầu các thương vụ mua lại khét tiếng của mình trong giai đoạn 2015-2016. Năm 2015 chứng kiến màn mua lại 49% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim của Central Group thông qua công ty con Power Buy. Tỷ lệ sở hữu công ty của tập đoàn đến giờ đã là 100%. Cũng trong năm này, tập đoàn Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi – thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, năm 2016, Central Group thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) trong thương vụ trị giá 1 tỷ USD. Hoạt động tại Viẹt Nam từ 1993, đến đầu những năm 2000 Big C đã trở thành cái tên quen thuộc với người Việt. Chuỗi siêu thị đạt cực thịnh vào giai đoạn 2010 - 2012, với doanh thu tại Big C Thăng Long 2012 lên đến 3500 tỷ đồng. 4 năm sau khi về tay tỷ phú Thái, thương hiệu Big C chính thức bị “xoá sổ” tại Việt Nam vào 2020, tái định vị thương hiệu thành Đại Siêu thị GO! Đại siêu thị Big C và Đại siêu thị GO! đều thuộc Central Group.
TCC Group - một đại gia Thái khác hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ cũng không chịu kém cạnh. Năm 2016, tập đoàn chi ra 655 triệu euro, tương đương 704 triệu để thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market). Thương hiệu này bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán buôn. Đến năm 2014, Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển và doanh thu tăng trưởng hàng năm tuy cả 12 năm hoạt động, công ty chỉ báo lãi đúng một năm 2010.
Trước thương vụ này, năm 2012, TCC đã mua lại 65% cổ phần để nắm chi phối tại Thái An – công ty mẹ của Phú Thái Group, đổ tiền thực hiện thương vụ mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart.
Tiếp đến, trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, gã khổng lồ Thái Lan SCG Group đến nay đã sở hữu hơn 20 công ty con tại Việt Nam. Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992, tập đoàn hoạt động ban đầu ở mảng phân phối và thương mại trước khi chuyển sang thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành.
Ba mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).
Riêng với mảng bao bì, ngay trong 2021 vừa qua, SCG đã mua lại 70% cổ phần công ty nhựa Duy Tân, một doanh nghiệp nội đứng đầu thị trường về các sản phẩm bao bì cứng. Trước đó, trong tháng 12/2020, SCG Group thông qua công ty thành viên TCG Solutions đã tiến những bước cuối cùng để thâu tóm Công ty Bao bì Biên Hòa (SVI). SVI tiền thân là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại Việt Nam. Còn Duy Tân là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường về các sản phẩm bao bì nhựa cứng.
Năm 2015, SCG đầu tư vào Công ty Bao bì Tín Thành (Batico) và gần đây chi 2.070 tỷ đồng (89 triệu USD) để sở hữu 94% vốn Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa.
Trước đó, SCG đã nắm cổ phần chi phối tại Nhựa Bình Minh; 100% vốn Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Việt Nam; lượng lớn cổ phần tại Prime Group, Liên doanh bao bì Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, C.P Group, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, cũng đang khẳng định vị thế. Hoạt động tại Việt Nam từ 1993, đến nay doanh nghiệp đangchiếm thị phần lớn trong cả ba lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (Feed), trang trại (Farm) và chế biến thực phẩm (Food). Ngay trong 2021 vừa qua, qua hai hình thức mua lại cổ phiếu phát hành riêng lẻ, CP Group đã nắm 24,9% cổ phần CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex - FMC). Fimex, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu thành lập 1996 và từ 2003 chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Đây là một trong 3 công ty xuất khẩu tôm nhiều năm qua, với doanh thu hàng năm gần 4.000 tỉ đồng.
Trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, qua các công ty con của mình, đại gia người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi cũng nắm những tên tuổi lớn của Việt Nam như Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn Sabeco, nơi ThaiBev nắm 53,59%) hay Vinamilk, nơi Fraser & Neave (F&N) đang là cổ đông ngoại lớn nhất ở mức hơn 17%, tỷ lệ chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước.
Lĩnh vực năng lượng mặt trời mới phát triển gần đây cũng đang chứng kiến sự bành trướng của doanh nghiệp Thái.
Super Energy Corporation, một doanh nghiệp từ Thái Lan, từ cách đây ba năm đã đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang… Cuối tháng 3/2020, doanh nghiệp này công bố thông tin trên Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SET) thông báo chi hơn 456 triệu USD để đầu tư mua cổ phần 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước.
Hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%.
https://cafef.vn/den-hen-lai-len-moi-nam-nguoi-thai-deu-thau-tom-them-nhung-doanh-nghiep-hang-dau-viet-nam-trong-nhieu-linh-vuc-20220323104530474.chnTheo Yên Khê
Doanh nghiệp và Tiếp thị