Giá vàng thế giới sau phiên lao dốc mạnh đã bất ngờ phục hồi về quanh mốc 1.940 USD/ounce, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức khởi động chu kỳ thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát và tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có tín hiệu tích cực.
Đầu giờ chiều ngày 24-3, thị trường vàng trong nước được các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng trở lại, song mức tăng không đáng kể.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 68,2 triệu đồng/lượng, bán ra 68,9 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý dù giá vàng miếng SJC được tăng 200.000 đồng/lượng so với chiều qua, nhưng giá mua vào chỉ có 67,15 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 68,85 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán tại đây kéo gioãng lên tới 1,7 triệu đồng/lượng trong khi phần lớn các doanh nghiệp khác chỉ giữ độ vênh khoảng 450.000 – 700.000 đồng/lượng.
Đối với các loại vàng nữ trang 24K, giá mua – bán phổ biến ở mức 54,95 – 55,3 lại bất ngờ giảm 50.000 – 100.000 đồng/lượng so với chiều qua.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch quanh mức 1.944 USD/ounce, tăng 25 USD/ounce so với giá mở cửa phiên giao dịch ngày hôm qua. Qui đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương khoảng 53,9 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua và thấp hơn giá vàng miếng SJC 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng trở lại trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về mức lạm phát tại Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, bà Kristalina Georgieva cho biết kinh tế toàn cầu sẽ duy trì tăng trưởng dương trong năm 2022, tuy nhiên một số quốc gia vốn đã có nền kinh tế yếu kém sẽ rơi vào suy thoái.
Bà cũng thông báo rằng, IMF sẽ hạ triển vọng kinh tế thế giới trong báo ra mắt tháng 4-2022. Trong báo cáo gần nhất hồi tháng 1-2022, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 4,4% trong năm nay, giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10-2021 và nguyên nhân chính do nguồn cung bị gián đoạn.
Bà Georgieva nhận định hầu hết các nền kinh tế lớn đang thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại và xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine là một yếu tố cộng hưởng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của các nước nhỏ.
Một trong những thước đo phổ biến nhất đối với sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ là đường cong lợi suất. Các nhà đầu tư trên phố Wall đang tập trung chú ý đến mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Khi mức chênh lệch giảm, các nhà đầu tư lo ngại đường cong lợi suất có thể đảo ngược – khi đó lợi suất trái phiếu ngắn hạn sẽ cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn. Đường cong lợi suất đảo ngược có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.