Hình ảnh biến thể Deltacron - Ảnh: SHUTTER STOCK
Theo ông Nguyen, khi 2 biến thể virus corona gặp nhau trong cùng 1 người, một “biến thể quái vật” có thể được sinh ra.
Hiện nay, các quan chức y tế trên khắp thế giới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi chặt chẽ biến thể lai được gọi là Deltacron này.
Các nhà khoa học cho biết các virus có thể lấy những phần mạnh nhất của nó kết hợp lại để nhanh chóng biến thành một siêu virus. Quá trình này được gọi là tái tổ hợp và đó là cách các chủng cúm nguy hiểm sinh ra.
"Thợ săn" biến thể
Tiến sĩ Nguyen và một số nhà khoa học trên khắp thế giới có sở thích thú vị: "săn biến thể".
Theo Đài phát thanh Mỹ NPR, tiến sĩ Nguyen và những "thợ săn" biến thể tìm kiếm qua hàng triệu chuỗi gene SARS-CoV-2 trong cơ sở dữ liệu khổng lồ, được gọi là GISAID, nhằm tìm ra các chủng có thể thay đổi tiến trình của đại dịch.
Cuộc tìm kiếm này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức tiến hóa của virus.
Hồi tháng 11-2021, một "thợ săn" biến thể đã tìm thấy "tập hợp đột biến rất kỳ lạ đến từ một biến thể ở Nam Phi và sau này được biết đến với tên gọi Omicron", ông Nguyen nói.
Tháng 2-2022, tiến sĩ Nguyen phát hiện một lớp biến thể hoàn toàn mới: các biến thể trộn lẫn các phần của Delta và Omicron ngẫu nhiên với nhau.
Trong một số trường hợp, virus dường như đang tối ưu hóa sự kết hợp - chọn những đặc điểm tốt nhất từ mỗi loại để dễ lây nhiễm và tránh miễn dịch.
"Deltacron" - đầu Omicron và cơ thể Delta
Ông Nguyen nói cách tốt nhất để mô tả biến thể Deltacron là phần protein đột biến của virus thuộc về Omicron nhưng cơ thể của virus vẫn là Delta.
Đến nay, biến thể Deltacron xuất hiện rất hiếm. Các nhà khoa học chỉ phát hiện nó ở Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Đức, Anh và Brazil và tìm thấy một số ít biến thể Deltacron ở Mỹ.
Tiến sĩ Mike Ryan thuộc WHO cho biết: "Sự tái tổ hợp rất thường xuyên của virus là cách tạo ra đại dịch. Vì vậy, phải thận trọng theo dõi những sự kiện tái tổ hợp này một cách chặt chẽ".
Protein đột biến của biến thể Omicron đặc biệt có khả năng che giấu virus khỏi hệ thống miễn dịch và các kháng thể của chúng ta.
Cách tạo ra những biến thể “quái vật”
Để bắt đầu hình thành biến thể Deltacron, trong thời gian ngắn một người phải nhiễm cùng lúc cả biến thể Omicron và Delta, theo bà Shishi Luo - nhà định dạng sinh học tại công ty chuyên về gene Genomics Helix.
Thời điểm Omicron gia tăng ở nước này, từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2022, bà Luo và các đồng nghiệp đã phân tích các mẫu từ gần 30.000 người Mỹ nhiễm SARS-CoV-2 và phát hiện 20 người đồng nhiễm cả Delta và Omicron. Nói cách khác, 20 người này đã nhiễm SARS-CoV-2 2 lần trong cùng một thời gian.
"Nếu cả hai biến thể đều tấn công vào cùng một tế bào, thì virus có thể hoàn thành quá trình tái tổ hợp", bà Luo nói. Theo cách nào đó, biến thể Delta đã "đạo văn" một phần mã di truyền của Omicron.
Chìa khóa cho quá khứ và tương lai của SARS-CoV-2
Gần đây, các nhà khoa học bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của sự tái tổ hợp đối với tiến hóa của SARS-CoV-2.
"Virus corona có rất nhiều sự tái tổ hợp. Đối với SARS-CoV-2, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy nhiều bằng chứng cho thấy điều đó đang xảy ra", bà Luo nói.
Ông Scott Nguyen phân tích thêm: "Ngay từ đầu khi xảy ra đại dịch, ai cũng mong muốn SARS-CoV-2 không đột biến quá nhiều.
Tuy nhiên, loại virus này đã khiến chúng tôi ngạc nhiên ở mọi góc cạnh. Những biến thể tái tổ hợp đã cung cấp một số manh mối thú vị về cách thức virus này sẽ phát triển tiếp theo".
Thái Lan công bố 73 ca nhiễm biến thể lai Deltacron đã khỏi bệnh
Theo Cục Khoa học y tế (DMS) thuộc Bộ Y tế Thái Lan, ngày 23-3, Thái Lan công bố 73 ca nhiễm Deltacron, biến thể lai giữa Delta và Omicron, và tất cả những người này đều đã bình phục.
Deltacron được phát hiện trong quá trình giải trình tự gene từ các bệnh phẩm được thu thập không phải từ 1-2 tuần trước, mà đa số là trong thời gian từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022 khi hai biến thể Delta và Omicron đang lây lan rộng.
Thái Lan đã gửi phát hiện trên đến cơ sở dữ liệu gene toàn cầu GISAID. Đến nay, cơ sở dữ liệu này ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm biến thể Deltacron, trong đó có 73 ca tại Thái Lan.
Quá trình giải trình tự gene đối với gần 2.000 mẫu bệnh phẩm từ ngày 12 đến 18-3 cũng cho thấy gần 100% số ca nhiễm biến thể Omicron và 1 ca nhiễm biến thể Delta. Trong số các mẫu bệnh phẩm này, 406 ca nhiễm biến thể phụ BA.1 của Omicron và 1.479 ca nhiễm biến thể BA.2. Thái Lan không ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể phụ BA.3.
TTXVN
TTO - Sau khi các nhà khoa học Cyprus công bố phát hiện biến thể lai giữa Delta và Omicron, được gọi là Deltacron, nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là sự nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm hoặc do đồng nhiễm 2 biến thể.
Xem thêm: mth.7024711142302202-norcatled-ial-eht-neib-nas-neyuhc-ek-teiv-cog-coh-hnis-ahn/nv.ertiout