Tập đoàn Masan vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Theo đó, doanh thu của Masan năm nay đạt 88.628 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lên tới 11.489 tỷ đồng, cao gấp 5 lần năm trước.
Trong các mảng kinh doanh của Masan, 'sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu' tiếp tục là trụ cột khi đem về khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, tính trên doanh thu, mảng bán lẻ tiêu dùng mới là số một khi tiếp tục đem về hơn 30.000 tỷ đồng cho Masan.
Thế nhưng, báo cáo của Masan cho biết, mảng bán lẻ tiêu dùng năm qua vẫn lỗ 1.446 tỷ đồng, sau khi năm 2020 lỗ 4.186 tỷ đồng.
Như vậy, trong 2 năm sau khi nhận chuyển nhượng Vinmart và Vinmart+ từ Tập đoàn Vingroup (nay đổi tên thành Winmart, Winmart+), Masan đã lỗ tổng cộng hơn 5.600 tỷ đồng từ bán lẻ.
Từ 2019 trở về trước: Vingroup quản lý. 2020-2021: Masan quản lý
Mặc dù vậy, điểm tích cực là số lỗ đã giảm đáng kể nếu so với năm trước. Hơn nữa, mức lỗ 1.446 tỷ đồng là thấp nhất kể từ năm 2015 tới nay của hệ thống Winmart, Winmart+.
Masan cho biết, trong năm qua chuỗi Winmart đạt doanh thu 9.924 tỷ đồng còn Winmart+ là 20.948 tỷ đồng. Trong khi doanh thu các siêu thị mini Winmart+ tăng 7,7% thì doanh thu cửa hàng lớn Winmart lại giảm 6,6% so với năm trước. Theo Masan, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến người tiêu dùng tăng lượng dự trữ hàng hóa trong quý 3/2021. Người tiêu dùng cũng ngại đến những nơi đông người như trung tâm thương mại (chiếm 2/3 số lượng điểm bán và doanh thu của Winmart). Thay vào đó, họ thích đến các địa điểm thuận lợi hơn như siêu thị mini.
Từ 2019 trở về trước: Vingroup quản lý. 2020-2021: Masan quản lý
Thời gian qua, Masan đã tích cực chuyển đổi siêu thị và cửa hàng Winmart, Winmart+ thành các điểm bán trong chiến lược 'Point of Life'. Từ giữa năm 2021, Masan đã bắt đầu đưa các cửa hàng Techcombank vào bên trong các siêu thị WinMart+. Ông Danny Le, CEO Masan từng tiết lộ rằng, đến năm 2025, nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng.
Hồi tháng 5/2021, Masan từng chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần Phúc Long và đến đầu năm 2022 mua thêm 31% với giá 110 triệu USD, biến Phúc Long trở thành công ty con. Qua đó, Masan đặt các kiosk Phúc Long ngay bên trong các siêu thị WinMart+.
Bên cạnh dịch vụ tài chính và đồ uống takeaway, Masan còn đưa dịch vụ số (Mobicast) và nhà thuốc (Phano Mart) vào các siêu thị, với mục tiêu là để khách hàng chỉ cần bước chân vào một cửa hàng Winmart+ là có thể được phục vụ tất cả các dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, bản thân WinMart và WinMart+ cũng đang là nơi phân phối cực kỳ hiệu quả cho các sản phẩm do Masan sản xuất, như thịt, mì ăn liền, gia vị...
Đáng chú ý, để gia tăng số lượng điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại, cũng như doanh thu và lợi nhuận, Masan sẽ hướng tới nhượng quyền thương hiệu. 2 điểm bán đầu tiên đã ra mắt hồi cuối năm 2021. Nhượng quyền sẽ giúp Masan nhanh chóng nhân rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất. Ban điều hành đặt kế hoạch triển khai 200 cửa hàng nhượng quyền trong năm 2022.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.82180625142302202-el-nab-iohc-couc-pahn-aig-man-2-uas-gnod-yt-0065-noh-ol-nasam/nv.zibefac