UBND tỉnh Lâm Đồng vừa gửi tờ trình đến Bộ KH&ĐT đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng
Theo báo cáo, dự án được đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư trong giai đoạn 2022-2025, với quy mô nền đường rộng 17 m; gồm phần đường bốn làn xe rộng 14 m. Tốc độ khai thác 80 km/giờ.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư trong giai đoạn sau năm 2030, đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô bốn làn xe ô tô, nền đường rộng 24,75 m cho toàn tuyến; đầu tư bổ sung, mở rộng khoảng 30 km đường gom thành đường song hành.
Cơ cấu nguồn vốn, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là hơn 12.500 tỉ đồng và giai đoạn 2 khoảng 5.420 tỉ đồng bằng 100% nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.
Phương thức quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong dự án như sau:
Trong giai đoạn 1, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 4.000 tỉ đồng được quản lý và sử dụng để chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 1.884 tỉ đồng (chiếm khoảng 15% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1); Gồm vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương 384,425 tỉ đồng và vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.500 tỉ đồng, giải ngân trong giai đoạn năm 2022 - 2023.
Vốn hỗ trợ xây dựng công trình (kể cả công trình tạm) khoảng 2.115 tỉ đồng (chiếm khoảng 16,9% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1) bằng nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, giải ngân trong giai đoạn năm 2022 - 2025.
Toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Đồ hoạ: HỒ TRANG.
Đề xuất 2 nhà đầu tư
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đề xuất dự án là Liên danh Nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP (do Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP làm đại diện Liên danh Nhà đầu tư).
Dự án sau khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao khả năng kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Từ đó, tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm tải, tránh tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và các dự án khác trong khu vực đã và đang triển khai như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không Liên Khương...