Tài sản Nhà nước bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Ngày 24/3, Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở phiên xử và tuyên án đối với 4 bị cáo có kháng cáo liên quan đến vụ án Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh – Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Tổng Công ty Lương thực miền Nam (gọi tắt là Vinafood II) trước đây là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Năm 2018, Tổng Công ty được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước giữ 51,4% vốn điều lệ. Còn Công ty Lương thực Trà Vinh là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Vinafood II, không có vốn và tài sản riêng.
Trần Văn Tâm (cựu Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, công ty con của Vinafood II) điều hành Công ty Lương thực Trà Vinh từ năm 2012-2017.
Trong thời gian điều hành Công ty Lương thực Trà Vinh, Trần Văn Tâm và các đồng phạm đã lợi dụng sự tắc trách trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về tài chính, kế toán, tình hình huy động và sử dụng vốn tại Công ty Lương thực Trà Vinh của một số lãnh đạo Vinafood II, để thực hiện nhiều hành vi tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Để che giấu tình hình thua lỗ của công ty do mình điều hành, Tâm chỉ đạo cấp dưới nhiều lần báo cáo gian dối, chỉ đạo nhân viên cấu kết với một số cá nhân ở doanh nghiệp bên ngoài lập khống hồ sơ mua bán lương thực, phụ phẩm nhằm nâng khống hàng tồn kho, nâng khống công nợ để được công ty “mẹ” tiếp tục cấp vốn, bảo lãnh vay ngân hàng và duy trì hoạt động.
Tính đến 31/10/2017, Công ty Lương thực Trà Vinh có dư nợ tại các ngân hàng hơn 600 tỷ đồng. Do Tổng công ty bảo lãnh trả nợ thay và ủy quyền sử dụng hạn mức nên các ngân hàng đã thu tiền từ công ty mẹ là Vinafood II.
Ngoài ra, Tâm còn lợi dụng chức vụ quyền hạn cùng với Nguyễn Tấn Vinh, Phan Văn Hiệp, Nguyễn Nhất Thống, Cao Minh Chiểu, Cao Tấn Được tham ô 5,1 tỷ đồng để hợp thức khoản tiền mua, bán 2 căn nhà số 36 Võ Thị Sáu, số 68 Bạch Đằng, Tp.Trà Vinh (thuộc sở hữu của Vinafood II) chuyển thành tài sản cá nhân của Tâm.
Sau đó, Tâm làm giả các chứng từ chi mua gạo để cân đối sổ quỹ tiền mặt, che giấu số tiền tham ô.
Từ năm 2012 – 2017, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra được lập để kiểm tra, giám sát tại Công ty Lương thực Trà Vinh.
Tuy nhiên, bị cáo Huỳnh Thế Năng (cựu Tổng Giám đốc Vinafood II) cùng các thành viên của đoàn đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không phát hiện sai phạm của Tâm và đồng phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 133 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Trần Văn Tâm được xác định là chủ mưu, tổ chức, thực hiện hành vi tham ô hơn 5,1 tỷ đồng; Mua bán khống hàng hóa, rút tiền của Tổng công ty, sử dụng sai mục đích, cố ý làm trái quy định Nhà nước gây thiệt hại hơn 128 tỷ đồng.
Một bị cáo được chuyển từ án giam sang án treo
Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, án sơ thẩm xác định, Công ty Lương thực Trà Vinh kinh doanh thua lỗ, tuy nhiên để Vinafood 2 tiếp tục bảo lãnh vay vốn, Tâm chỉ đạo lập khống các báo cáo tài chính từ lỗ sang có lãi, mua bán khống hàng hóa, rút tiền của Tổng công ty sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại 127 tỷ đồng.
Về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinafood II, án sơ thẩm nhận định, bị cáo Huỳnh Thế Năng đã buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát nên không nắm được thực trạng của công ty Lương thực Trà Vinh.
3 thuộc cấp của Năng là các bị cáo: Vũ Bá Vinh - Trưởng ban kiểm soát nội bộ; bị cáo Huỳnh Văn Tranh - Kiểm soát viên, và bị cáo Trịnh Ngọc Thuận - Trưởng phòng Tài chính kế toán đã không thực hiện đầy đủ, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát để Tâm và đồng phạm lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho Vinafood II.
Xác định hành vi của 16 bị cáo có liên quan trong vụ án đủ yếu tố cấu thành tội phạm như cáo trạng truy tố nên tòa sơ thẩm đã tuyên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Về mức án, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tâm 20 năm tù về tội Tham ô tài sản và 15 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt chung là 30 năm tù.
Cùng về 2 tội danh trên, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Tấn Vinh 22 năm tù, Phan Văn Hiệp 14 năm tù, Cao Minh Chiểu 16 năm tù, Nguyễn Nhất Thống 12 năm tù, Cao Tấn Được 11 năm tù.
Các bị cáo: Võ Văn Sen 8 năm tù, Lê Hoàng Minh 2 năm 9 tháng tù, Lê Châu Giang 3 năm tù, Hồ Phú Lộc 2 năm 6 tháng tù treo, Nguyễn Thị Liễu 3 năm tù treo, Nguyễn Vĩ Long 2 năm tù treo cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Huỳnh Thế Năng, Vũ Bá Vinh, Huỳnh Văn Tranh, Trịnh Ngọc Thuận bị tuyên phạt mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo
Sau bản án, có 8 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc kháng cáo kêu oan. Do vụ án kéo dài và một số lý do khác, có 4 bị cáo rút kháng cáo. Còn 4 bị cáo gồm Cao Minh Chiểu, Cao Tấn Được, Võ Văn Sen, Lê Châu Giang giữ nguyên kháng cáo.
Sau một ngày xét xử, HĐXX TAND Cấp cao tại Tp.HCM đã bác kháng cáo của 2 bị cáo, tuyên giữ nguyên án 16 năm tù đối với Cao Minh Chiểu và 11 năm tù đối với bị cáo Cao Tấn Được về các tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX cấp phúc thẩm cũng tuyên giảm từ 8 năm tù xuống 5 năm 6 tháng tù giam đối với bị cáo Võ Văn Sen về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Lê Châu Giang được cấp phúc thẩm chuyển từ 3 năm tù giam xuống còn 3 năm tù treo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.