Màn hình hiển thị kết quả của cuộc bỏ phiếu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về chiến sự ở Ukraine, tại trụ sở LHQ ở New York ngày 24-3 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, tại trụ sở chính của LHQ, nghị quyết do Ukraine và các đồng minh soạn thảo nhận được 140 phiếu ủng hộ và 5 phiếu chống của Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus và 38 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết yêu cầu tiếp cận viện trợ, bảo vệ dân thường ở Ukraine và chỉ trích Nga đã tạo ra một tình huống nhân đạo "thảm khốc" khi tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, nghị quyết do Ukraine đưa ra và được hơn 100 nước thành viên LHQ bảo trợ là nghị quyết thứ hai được thông qua trong tháng 3 này tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 11 do Đại hội đồng LHQ tổ chức.
Các nước thành viên LHQ hy vọng nghị quyết thứ hai, cùng với nghị quyết thứ nhất thông qua hôm 2-3 vừa qua, sẽ tác động tích cực thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng nghị quyết phản ánh một chiều những gì đang xảy ra, không đề cập nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khẳng định nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế chống lại cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine.
Các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ gồm 193 nước thành viên không có tính ràng buộc, nhưng có sức nặng về mặt chính trị.
Trước đó, ngày 23-3, Ukraine đưa ra nghị quyết mới, ban đầu do Pháp và Mexico chuẩn bị, tại một phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ. Nghị quyết "yêu cầu Liên bang Nga chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch chống lại Ukraine, đặc biệt là tấn công nhằm vào dân thường và các đối tượng dân sự”.
Cũng trong ngày 23-3, Nga đã đệ trình một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ về "tình hình nhân đạo" ở Ukraine nhưng nghị quyết không được thông qua bởi trong 15 phiếu chỉ có 2 phiếu thuận của Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, có một nghị quyết, không nhắc đến Nga, chỉ nhận được 50 phiếu thuận, 67 phiếu chống và 36 phiếu trắng và do đó không được thông qua.
Đại hội đồng LHQ cũng đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc tương tự vào ngày 2-3 yêu cầu Nga ngừng sử dụng vũ lực ngay lập tức, được 141 quốc gia ủng hộ.
TTO - Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang nỗ lực tạo ra một hành lang hàng hải an toàn giúp các tàu hàng và thủy thủ đang mắc kẹt ở biển Đen và biển Azov có thể ra khơi mà không gặp nguy cơ nào.