Chiều 24-3, tại phiên họp thứ chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế”.
Gần 4.000 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách lãng phí, sai
Theo báo cáo của đoàn giám sát, số liệu từ Chính phủ cho thấy giai đoạn 2016-2021, Nhà nước tiết kiệm được hơn 350.000 tỉ đồng. Còn báo cáo của Bộ Tài chính thể hiện trong giai đoạn này, số tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ là hơn 56.000 tỉ đồng; tiết kiệm trong sử dụng và thanh quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) là gần 43.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đoàn giám sát nhận định chi thường xuyên chưa thật sự tiết kiệm. Điều này thể hiện qua số liệu của Bộ Tài chính tổng hợp chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được phát hiện và xử lý là 12.640 vụ; tổng giá trị các vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ được kiến nghị thu hồi và bồi thường là hơn 894 tỉ đồng... Đặc biệt, trong sáu năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện; số tiền vi phạm phát hiện là hơn 883 tỉ đồng…
Đoàn giám sát cũng nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản nhà nước, như còn xảy ra hiện tượng mua sắm và sử dụng xe công, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức. Chẳng hạn, báo cáo Kiểm toán Nhà nước ngày 19-9-2019 cho biết Văn phòng Bộ Công Thương cho tổ dân phố mượn nhà đất, viện nghiên cứu da giày để nhà đất bị lấn chiếm...
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 24-3.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài NSNN để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát.
Việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp còn chậm. Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ vẫn còn tình trạng mua sắm, sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức. Chẳng hạn, Công an huyện Tri Tôn (An Giang) sử dụng ô tô không đúng mục đích trang bị.
Đáng chú ý, có tình trạng không tuân thủ quy định của pháp luật đấu thầu việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit test COVID-19...
Có cầu thì không có đường, có đường thì lại… không có cầu
Tại phiên họp, Phó Tổng thanh tra Trần Văn Minh cho hay giai đoạn 2016-2021, ngành thanh tra đã triển khai thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm với “con số rất lớn”. Đáng chú ý, ở lĩnh vực đầu tư xây dựng, ngành phát hiện nhiều vi phạm như không thực hiện đúng quy định quy chế, quy trình thực hiện đấu thầu, không có báo cáo giám sát, báo cáo đánh giá về các dự án đầu tư hoặc thẩm định các dự toán sai so với thiết kế… dẫn đến giao thầu, hợp đồng thi công, nghiệm thu, quyết toán sai.
“Chúng tôi thấy cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nói chung, chú trọng thanh tra vào những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí như quản lý tài chính ngân sách, mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản…” - ông Minh nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đối với những vụ việc lớn, có địa chỉ, số liệu cụ thể thì đoàn giám sát cần làm cho rõ để cảnh báo, răn đe; quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân. Ảnh: QH
Ngoài ra, phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh xử lý sau thanh tra, nhất là thu hồi tài sản bị thất thoát; nghiêm túc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực hiện, thực thi nhiệm vụ công vụ và đề cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn lại đề nghị đoàn giám sát tập trung “những nội dung nóng, dư luận quan tâm, là điểm nghẽn, nút thắt, bài toán khó chưa có lời giải đáp”. Trong đó, đặc biệt chú ý giám sát sâu các dự án trọng điểm thuộc ngành giao thông, dầu khí, điện gió, nhiệt điện sử dụng vốn NSNN, sử dụng vốn NSNN mà không đảm bảo hiệu quả, làm rõ dự án chậm tiến độ.
Ông cũng lưu ý những dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn. “Đầu tư nhan nhản, người ta thấy cầu làm thì không có đường, đường làm thì không có cầu. Một con đường bồi thường, tái định cư lam nham, không thi công được. Lần này có khắc phục được cái này hay không” - ông Mẫn nói và đề nghị làm rõ cả nước còn bao nhiêu dự án loại này, có tiếp tục triển khai được hay không.
Quy rõ trách nhiệm để “cảnh báo và răn đe”
Phát biểu sau đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý lần giám sát này nên tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực công. “Chúng ta từng nói với nhau, thậm chí những mất mát, thất thoát do lãng phí còn lớn hơn cả những vụ việc lớn khác. Vừa rồi có báo đăng loạt bài nói về các công trình, dự án làm nghèo đất nước... nhiều vô kể, các đồng chí cứ giở ra đọc, nóng ruột vô cùng” - ông Huệ nói.
Dẫn chứng ở lĩnh vực đất đai, Chủ tịch QH nói kết quả sơ kết nghị quyết của Bộ Chính trị (về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp) cho thấy một số lượng lớn đất đã bàn giao cho các địa phương nhưng chưa tiếp nhận hoặc chưa có kế hoạch sử dụng, trong khi người dân vẫn thiếu đất ở, đất sản xuất. Hay “nhiều vô kể” đất chưa được đo, vẽ, lập bản đồ địa chính...
“Bao nhiêu dự án treo, lý do vì sao? Lần này có thu hồi được không? Nhiều địa phương muốn thu hồi nhưng áp lực không thu hồi được” - ông Huệ nói và cho rằng sau giám sát, QH ra nghị quyết yêu cầu rà soát, thu hồi lại sẽ tạo được nguồn lực vô cùng to lớn.
Cạnh đó, Chủ tịch QH cũng đề nghị làm rõ và quy rõ trách nhiệm những vụ việc lớn, nghiêm trọng, có địa chỉ, số liệu cụ thể để “cảnh báo và răn đe”. Ông Huệ dẫn chứng ông biết một công trình thủy lợi ở Đắk Lắk, đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng sau đó không sử dụng được.
Người đứng đầu QH cũng đặt vấn đề nếu ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, sai nội dung, sai định mức dẫn đến thất thoát lớn tài sản cho Nhà nước thì trách nhiệm thế nào. “Kiểm toán, thanh tra đầy rẫy cái này” - ông Huệ khẳng định.
Liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, Chủ tịch QH thừa nhận rất khó có những bằng chứng chứng minh việc này. “Tôi sang Nhật Bản, điều hòa họ không bao giờ để thấp hơn 28 độ C. Ở ta, điều hòa bật ở nhà thì tăng nhiệt độ lên cho đỡ tốn tiền điện; quạt cũng chỉ phe phẩy để vừa đảm bảo sức khỏe vừa đỡ tốn điện. Giá điều hòa ở cơ quan cũng sử dụng bằng nửa ý thức như thế thì cũng tiết kiệm khối tiền rồi” - ông Huệ nhận xét.
Tuy nhiên, người đứng đầu QH cũng ghi nhận thời gian qua, chúng ta đã tiết kiệm được nhiều từ việc không đi công tác nước ngoài, cắt giảm chi phí tiếp tân, hội nghị...
Phần tồn tại chỉ nêu… chung chung Theo đoàn giám sát, đến ngày 23-3, đoàn chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, chín UBND cấp tỉnh, hai tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cạnh đó, chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Phần tồn tại, hạn chế, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chỉ nêu nhận định chung chung, không cụ thể... Cũng từ tổng hợp sơ bộ số liệu báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021 cho thấy số lượng phương tiện đi lại (ô tô, mô tô, xe máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là gần 7.000 xe, với số tiền xử lý vi phạm 4,8 tỉ đồng. Số lượng tài sản khác được trang bị, sử dụng sai mục đích, sai chế độ phát hiện được là hơn 33.600 tài sản, với số tiền xử lý vi phạm hơn 38 tỉ đồng. Diện tích trụ sở sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là hơn 47 triệu m2; diện tích trụ sở sử dụng sai chế độ đã xử lý là hơn 37.300 m2. Số tiền xử lý vi phạm, thanh lý trụ sở thu được hơn 452 tỉ đồng. Diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là gần 148.000 m2. |