Chăm sóc tại nhà cho người bệnh COVID-19 ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các chuyên gia, các bệnh mãn tính chuyển nặng phổ biến là các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim thiếu máu cục bộ, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Xứng, chủ nhiệm khoa điều trị 1, trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 Bệnh viện Quân y 175, đợt dịch từ tháng 7 đến tháng 12-2021, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng đa số là do "độc lực" virus gây ra. Tuy nhiên, từ tháng 1-2022 trở lại đây, COVID-19 đã không còn là vấn đề chính, mà tỉ lệ chuyển nặng đa số do bệnh nhân các bệnh lý nền, bệnh mãn tính kèm theo.
Chuyển biến bệnh rất nhanh
Tại Bệnh viện Quân y 175, nhiều bệnh nhân đến khám ngoại trú các bệnh lý nền, mãn tính như: tiểu đường, cao huyết áp, tim thiếu máu cục bộ, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính... khi test nhanh cho kết quả dương tính.
"Bệnh nhân có bệnh mãn tính trong người khi nhiễm COVID-19 sẽ là sự cộng hưởng giữa 2 mạch bệnh. Chắc chắn khi nhiễm COVID-19 sẽ làm tình trạng bệnh nền của bệnh nhân nặng lên và khó kiểm soát hơn, nhất là tiểu đường và cao huyết áp.
Đường huyết ở bệnh nhân bình thường đã tương đối khó kiểm soát, khi nhiễm COVID-19 phải điều trị bằng các thuốc lại khó kiểm soát hơn. Có những trường hợp mắc bệnh thận giai đoạn 3-4 có thể thúc đẩy đến suy thận, chuyển từ giai đoạn thận mãn sang thận giai đoạn cuối", bác sĩ Xứng cho hay.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), phòng khám hậu COVID-19 ghi nhận nhiều bệnh nhân có bệnh mãn tính đã điều trị ổn định sau khi mắc COVID-19 bệnh chuyển biến nặng hơn, phổ biến là bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, phòng khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đức Giang, cho biết vừa tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân trước đây đã được điều trị ổn định bằng thuốc viên.
Nhưng sau khi mắc COVID-19, bệnh nhân đến khám trong tình trạng mệt mỏi, khô môi, miệng, sụt cân. Kiểm tra đường huyết vào buổi sáng thì chỉ số ổn định, tuy nhiên đến chiều và tối đường huyết lại tăng cao. Bác sĩ phải chỉ định điều trị bằng thuốc tiêm.
Theo bác sĩ Tiến, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân có sử dụng một số loại thuốc chứa Corticoid dẫn đến đường huyết tăng cao. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy COVID-19 có ảnh hưởng đến nội tiết, gây khởi phát bệnh tiểu đường.
Còn tại khoa nội tổng hợp, bác sĩ Lê Văn Đán ghi nhận tình trạng phổ biến là bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan cổ trướng, Lupus ban nổi hệ thống, khi mắc COVID-19 nhiều trường hợp chuyển biến bệnh rất nhanh.
"Ngoài ra, có một số trường hợp bệnh nhân bị cường giáp, đã điều trị ổn định nhưng sau khi mắc COVID-19 thì tái phát bệnh. Nguyên nhân do khi mắc COVID-19 gây rối loạn nội tiết hoặc bệnh nhân mắc tiểu đường type 1 dẫn đến bệnh cường giáp tái phát", bác sĩ Đán thông tin.
Đơn vị sàng lọc COVID-19 của Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: L.ANH
Vừa trị COVID-19, vừa trị bệnh mãn tính
Trong quá trình tư vấn cho F0, bác sĩ Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM - cũng gặp nhiều trường hợp bệnh mãn tính đang ổn định bỗng trở nặng khi bệnh nhân nhiễm COVID-19.
"Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh tim mạch... sẽ có chế độ ăn uống riêng biệt và dùng thuốc lâu dài. Trong thời gian nhiễm bệnh, cứ lo tập trung sợ dịch bệnh mà tự ý dừng thuốc, hay ăn uống các loại thực phẩm kiêng kỵ chỉ vì mục đích ngăn ngừa bệnh, cải thiện khả năng miễn dịch cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tái phát các bệnh mãn tính", bác sĩ Khanh tư vấn.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm lượng muối trong chế biến thức ăn, giảm mỡ, giảm đường, thay các món chiên xào bằng hấp, luộc nhiều hơn. Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi trong bữa ăn hằng ngày. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, nước ngọt, nước tăng lực...
Đặc biệt hạn chế hút thuốc, uống rượu bia bởi đó là nguyên nhân hàng đầu khiến các bệnh lý nền tái phát và gia tăng.
"Điều quan trọng nhất với các bệnh nhân đang điều trị hay đã điều trị ổn định cũng phải tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 và tuân thủ 5K. Bên cạnh đó, tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, không vì dịch bệnh mà không tái khám dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn" - bác sĩ Đán khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, hệ miễn dịch là cơ quan phòng thủ và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Khi virus, vi khuẩn, nấm hoặc các yếu tố gây bệnh khác xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công và phá hủy các tác nhân này.
Xem thêm: mth.86721931242302202-noh-gnan-ort-ed-hnit-nam-hneb-ib-iougn-91-divoc-cam-uas/nv.ertiout