TTO - Chẳng có loại thước nào có thể đo được hết những tổn thất mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho nhân loại trong hơn 2 năm qua. Có thời điểm, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đã hoàn toàn "đóng băng" thời gian dài, vậy bằng cách nào các start-up Việt từ mục tiêu sống sót thành sống tốt?
Không ít CEO, nhà sáng lập các dự án start-up lớn nhỏ tại Việt Nam tâm sự họ thực sự mất ăn mất ngủ hàng tháng trời kể từ khi nghe tin SARS-CoV-2 xuất hiện. Tất cả đều xuất phát từ mong mỏi tìm ra hướng đi đúng đắn giúp chèo lái "đứa con cưng" của mình vượt sóng lớn.
Đầy tài năng, chàng trai Nguyễn Hà Minh Thông (27 tuổi) từng góp mặt tại giải thưởng Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up vào năm 2019 với dự án khởi nghiệp mang tên Edubox - nền tảng giáo dục bằng công nghệ - do mình sáng lập và điều hành.
Với Edubox, chỉ cần chiếc smartphone, không cần phải ra đường và mất nhiều thời gian, phụ huynh lẫn gia sư vẫn có thể tương tác cùng nhau, như sắp lịch, chọn chương trình học tốt nhất, giải đáp các bài tập, thắc mắc… cho con em mình.
Nhiều thành tựu được Edubox thiết lập nên. Tuy nhiên, dịch bệnh ập tới khiến mọi mặt đời sống xã hội đều bị xáo trộn, đặc biệt là học tập, khi phương pháp học trực tuyến dần được thay thế cho phương pháp truyền thống. Edubox lúc này không nằm ngoài vòng ảnh hưởng và bắt buộc phải thay đổi để thích nghi.
Trước đó, nếu doanh thu của Edubox tập trung chủ yếu vào các lớp học trực tiếp (trên 70%), nay ngược lại, doanh thu phụ thuộc phần nhiều vào các lớp học trực tuyến. Thông chia sẻ đã từng đổ vào Edubox một lượng tiền khá lớn để xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến, đáp ứng nhu cầu khách hàng của Edubox. Tuy nhiên nguồn thu nhiều tháng trời chỉ đủ để bù đắp chi phí vận hành.
"Nền tảng dạy học trực tuyến của Edubox lúc đó đều đáp ứng mọi yêu cầu, tuy nhiên cũng khó nói lắm, khi mà nguồn vốn của một start-up không có nhiều, dẫn đến việc duy trì nó, chưa kể nói đến việc chạy mượt là điều rất khó", Thông cho hay.
Đối diện với các khó khăn, Thông nói đã mất nhiều ngày để nghĩ đến việc tìm một điểm dừng. Vậy đâu là điểm dừng? Dừng lại có nghĩa là dự án không còn tiềm năng, còn anh đã hết đam mê?
Thông khẳng định bản thân luôn đam mê với khởi nghiệp giáo dục, nhất định không bao giờ "bỏ rơi" đứa con của mình và cách tốt nhất là một nhà đồng sáng lập khác đứng ra điều hành Edubox. "Hiện tôi đang tập trung cho một dự án khác, việc tìm ra một lối đi mới đầy tiềm năng giúp tôi nhanh chóng tìm ra được đâu là điểm dừng cho Edubox. Với tôi rất rõ ràng, đam mê là đam mê, nhưng việc cần ưu tiên vẫn phải là kiếm ra tiền, tạo ra dòng lợi nhuận", Thông nói.
Dự án mà Thông nhắc đến chính là ASPO World - start-up phát triển game NFT (non-fungible token), do chính anh sáng lập và quản lý. Sau hơn 4 tháng triển khai, ASPO World đã gây được tiếng vang lớn khi huy động được hơn 3,5 triệu USD (hơn 80 tỉ đồng). Trong đó có 2 triệu USD đến từ các quỹ đầu tư Hashed, Icetea labs, GameFi, DaoMaker và Raptor Capital… và 1,5 triệu USD chỉ sau hơn 4 ngày mở bán INO (Initial NFT Offering - có nghĩa là phát hành NFT lần đầu).
"Sau khi tập trung bắt tay vào dự án mới, tôi nhận ra điều tiên quyết giúp bản thân các start-up tạo ra giá trị khi biết đâu là điểm dừng, nhìn ra hướng đi tiềm năng, việc một hai sống còn cùng một dự án chỉ khiến ta đi vào ngõ cụt", Thông quả quyết.
Phim ngắn "Home coming" của Nguyễn Ngọc Thư - nhà sáng lập BiTour
Đầu tháng 1-2021, ngày du lịch Việt Nam "phá băng" cũng là ngày BiTour quay trở lại "đường đua". Chính sự trở lại này khiến cho nhà sáng lập BiTour (công ty du lịch có trụ sở tại quận 2, TP.HCM) - chị Nguyễn Ngọc Thư phải thốt lên rằng "đó là một hành trình rất thú vị".
Hơn 8 tháng "ngủ đông" vì dịch bệnh, BiTour (dự án từng góp mặt tại giải thưởng Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up vào năm 2020) gần như không một đồng doanh thu trong khi lương nhân viên vẫn phải chi trả. Khó khăn bủa vây, ấy thế mà với chị Thư thì dịch bệnh lại như một "nút dừng" rất hay.
"Trong kinh doanh, việc một ai dừng lại khi thị trường lao như vũ bão thì bản thân người đó là chậm chạp. Đó là lý do khiến tôi không có dịp để nhìn lại mình. Nhưng dịch bệnh đến đã cho tôi cơ hội làm việc đó, đủ để tôi trải nghiệm, cảm nhận những giá trị và tìm ra hướng đi thông suốt hơn", chị Thư nói.
Sau đại dịch, BiTour có quá nhiều sự thay đổi. Bắt đầu phải kể đến lối "kinh doanh tối giản". Đó là khi trước đây mỗi tuần BiTour tổ chức 10 chuyến đi với 10 điểm cùng khoảng 1.500 khách hàng, thì nay chị Thư chỉ tập trung vào 3 tour du lịch mà bản thân cho rằng mình làm giỏi nhất, tốt nhất.
Nếu trước đây BiTour luôn có hơn 30 nhân sự thì nay chỉ còn chưa đầy 1/3, chuyển đổi từ việc trả lương cơ bản và hoa hồng theo tháng thành trả lương theo doanh số kèm lợi nhuận. Nếu trước đây phương châm của BiTour là đặt khách hàng lên trên hết thì nay chị Thư quay về với việc quan tâm đến nhân viên của mình. Với chị Thư, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải nuôi nhân viên bởi đây là mối quan hệ Win - Win, không có nhân viên mà chỉ có đối tác.
"Từ ngày tối giản mọi thứ, tôi thấy công việc tốt lên, chuyển đổi mô hình kinh doanh và chi trả quyền lợi thì mọi người trong công ty hào hứng làm việc hơn, thu nhập của mọi người cũng gần như đều tăng gấp đôi, có khi gấp 3. Thu nhập nhân viên tăng đồng nghĩa lợi nhuận công ty tăng", chị Thư thông tin.
Khi thực tế có nhiều chuyển biến khác xa với kế hoạch lập ra trước đó thì việc thích ứng với tình hình mới luôn là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự sống còn của mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo anh Phạm Quang Anh, giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony (giải thưởng Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020), việc "chuyển mình", thay đổi cơ cấu dây chuyền sản xuất... chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Riêng Dony, vào thời điểm cuối năm 2019 - đầu 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ cũng là lúc những đơn hàng quốc tế về đồng phục dần ít lại, đồng nghĩa với việc doanh thu giảm, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn.
Trước bài toán phải sống sót qua trận đại dịch, tháng 3-2020, anh Quang Anh mất hơn một tuần để đưa ra quyết định chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang. "Lúc đó thị trường khẩu trang người ta đã đi trước mình cả nửa năm rồi, sắp bão hòa rồi nên hầu như mười người gặp nghe tôi sản xuất khẩu trang thì cả mười đều can ngăn", anh Quang Anh nhớ lại.
Nhưng khó ai ngờ rằng, con đường "tự đưa mình vào ngõ cụt" như bao người vẫn nói với anh giờ đây lại có thể giúp Dony từ mục tiêu sống sót thành sống tốt, khi xuất khẩu ra quốc tế hàng chục triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn cao cấp, mỗi chiếc khẩu trang của Dony sản xuất từng được bán trên trang thương mại điện tử Amazon ở thị trường Mỹ với giá gần 5 USD, thị trường Việt Nam là 29.000 đồng.
"Mãi sau này tôi mới nhận ra cuối cùng kế hoạch cũng là phương hướng được xây dựng ở quá khứ, nhắm về tương lai, còn chúng ta thì vẫn sống ở hiện tại nên muốn tồn tại thì cứ phải làm tốt việc hiện tại là được", anh Quang Anh tâm sự.
Sáng 6-2-2021, chiếc xe buýt rợp sắc vàng cùng thông điệp Mang khẩu trang - Đón Tết an toàn xuất hiện tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Chuyến xe đặc biệt ấy là dự án do anh Quang Anh ấp ủ thực hiện từ đợt dịch bệnh bùng phát giữa năm 2019. Ấp ủ vì muốn đóng góp phần nào cho cộng đồng, xã hội nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh, với 100.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn được phát miễn phí cho người dân tại các vùng có dịch, vùng sâu, vùng xa.
Sẵn sàng trước giờ G
152 tay golf đã sẵn sàng bước vào mùa giải thứ 3 của chuỗi sự kiện TuổiTrẻ Golf Tournament For Start-Up 2022.
Là một trong những giải lớn, tuy bị gián đoạn vào năm 2021 vì dịch bệnh bùng phát, nhưng cũng như ngọn lửa khởi nghiệp luôn rực cháy, chương trình mang ý nghĩa đặc biệt đã sớm trở lại với quy mô giá trị giải thưởng lên đến gần 10 tỉ đồng và quỹ start-up gần 700 triệu đồng.
Giải đấu được triển khai với thông tin chi tiết như sau:
Thời gian: 12h, thứ sáu, ngày 25-3-2022
Địa điểm: Sân Golf Long Thành - Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai
Tiệc trao giải: 18h30 cùng ngày tại Nhà hàng CLB
Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-Up 2022 là hoạt động thường niên do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức với mục đích gây quỹ Start-Up, hướng đến kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...
MINH HUỲNH
Xem thêm: mth.92331430042302202-hcid-iad-auq-pu-trats-neyuht-noc-ial-oehc/nv.ertiout